Theo dõi trên

Có cuộc “so găng” kỳ cục ở Đức Linh. Bài 3

01/11/2024, 05:50

Bài 3: Có nên mất 4-5 năm để di dời trại heo Vissan?

Sang năm 2024, UBND huyện xem xét cập nhật vị trí, diện tích Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận tại xã Đông Hà vào đất ở nông thôn trong thời kỳ 2021-2030 của huyện. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản lại đưa ra 4 phương án di dời kéo dài 4-5 năm, tức phải đến giữa năm 2028-2029 mới xong. Điều này có nghĩa công ty sẽ tiếp tục chăn nuôi heo trên đất ở nông thôn!?

Nghị quyết di dời thứ 2!?

Theo báo cáo của UBND huyện Đức Linh, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản có Văn bản số 4199/VISSAN-PPC về việc phúc đáp Công văn số 1921/UBND-KT ngày 25/7/2024 của UBND huyện thì hiện tại công ty đang thảo luận về 4 phương án cho lộ trình di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan và hoàn thành vào khoảng nửa cuối năm 2028 đến năm 2029. Cụ thể, phương án 1 là di dời về Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Dương sau khi dự án này hoàn thành, mất khoảng 52 tháng, tức đến tháng 12/2028 sẽ di dời xong. Phương án 2, thuê trại từ các tổ chức, cá nhân khác mất khoảng 43 tháng, dự kiến đến tháng 3/2028 sẽ hoàn thành. Phương án 3 là mua trại từ các tổ chức, cá nhân khác mất khoảng 49 tháng, tức đến tháng 9/2028. Và phương án 4 là mua đất và xây dựng trại mới mất khoảng 64 tháng, tức dự kiến đến tháng 12/2029.

untitled_1.1.79.jpg
Trại heo Vissan

Tính ra, 4 phương án cho lộ trình di dời trên được xây dựng trong vòng 5 tháng, sau khi Tổng công ty thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên có Nghị quyết số 107/NQ-HĐTVTCT ngày 4/4/2024 về việc chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản xây dựng lộ trình, kế hoạch di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận. Đây là nghị quyết di dời trại heo Vissan được tổng công ty này ban hành lần thứ 2. Lần thứ 1 là vào tháng 1/2020, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính với hành vi xả nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý trực tiếp vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật với số tiền 200 triệu đồng cùng chỉ đạo tính toán di dời trại heo theo kiến nghị của xã Đông Hà và các ngành chức năng. Đó là Nghị quyết số 504/NQHĐQT-CTY ngày 16/1/2020 di dời trại heo Vissan tại xã Đông Hà sang vị trí khác để đảm bảo an toàn sinh học.

dsc_0158.jpg
Trại heo Vissan

Lúc ấy, vị trí di dời cũng đã định là khu vực Cọc 17 xã Tân Hà, vì theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, khu vực hơn 65 ha này đã đưa vào vùng chăn nuôi tập trung của huyện. Và theo quy trình, địa phương và sở ngành chức năng cũng lần lượt làm các trình tự thủ tục. Như UBND huyện Đức Linh, vào tháng 8/2020 có công văn kiến nghị UBND tỉnh xem xét thống nhất chủ trương cho công ty sớm di dời trại heo tại xã Đông Hà sang vị trí phù hợp. Tiếp theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn hướng dẫn hồ sơ cho công ty di dời trại heo Vissan. Nhưng sau đó rơi vào im lặng. 3 năm sau, những thủ tục trên được lặp lại. Đó là UBND huyện Đức Linh có Công văn số 1646/UBND-KT ngày 30/6/2023 đề nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận. Tiếp theo đó là nhiều văn bản chỉ đạo, thúc giục đẩy nhanh tiến độ…

Nói chung, chuyện di dời trại heo Vissan xới lên trong năm 2023 suy cho cùng chỉ là nhắc lại việc thực hiện Nghị quyết số 504 của tổng công ty từ năm 2020 nhưng lần lữa chưa triển khai. Vì thế, không có gì bất ngờ hay bị động ở đây và thực tế cho thấy có một sự cố tình kéo dài, không khó hiểu. Năm 2023, theo thông tin từ huyện Đức Linh là công ty mẹ của trại heo Vissan yêu cầu huyện hỗ trợ xây dựng hạ tầng ở Cọc 17 Tân Hà, nơi mà huyện đã bố trí cho trại chuyển đến, đồng thời quan tâm điều chỉnh quy hoạch khu đất trại heo hiện hữu sang đất ở. Song song đó cũng yêu cầu các chủ đầu tư các cụm công nghiệp phải thỏa thuận kinh phí để hỗ trợ việc trại heo Vissan di dời. Sang năm 2024, UBND huyện xem xét cập nhật vị trí, diện tích Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận tại xã Đông Hà vào đất ở nông thôn trong thời kỳ 2021-2030 của huyện. Trong khi đó, công ty này lại đưa ra 4 phương án di dời kéo dài 4-5 năm, tức đến giữa năm 2028-2029 mới xong. Điều này có nghĩa trại heo Vissan sẽ tiếp tục chăn nuôi heo trên đất ở nông thôn và tiếp tục xả nước thải, phát tán mùi hôi ra môi trường xung quanh!?

untitled_1.1.62.jpg
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
untitled_1.1.83.jpg
Trại chăn nuôi bên cạnh Cụm Công nghiệp Nam Hà

Tránh “lỗ nhỏ đắm thuyền”

Giống như trại heo Vissan, Công ty TNHH chăn nuôi Tafa Việt (Trại gà Tafa Việt) cũng có nhu cầu và được chính quyền Đức Linh xem xét cập nhật diện tích đất của công ty thuộc địa bàn xã Đông Hà vào đất thương mại dịch vụ trong thời kỳ 2021-2030. Còn diện tích thuộc xã Trà Tân, vốn cách xa cụm công nghiệp thì đơn vị vẫn chăn nuôi gà. Đó là sự ưu tiên đối với những đơn vị có liên quan đến góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường ở khu vực này. Còn trong dân thì nhu cầu chuyển sang đất ở, đất thương mại dịch vụ rất cao, lãnh đạo xã Đông Hà cho biết. Từ đây ít nhiều cho thấy các Cụm công nghiệp Nam Hà, Nam Hà 2, Đông Hà vốn tự thân đã có sức hút, là nơi đầu tiên của tỉnh đón nhà đầu tư từ vùng động lực phía Nam tới, nhất là khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đi vào hoạt động. Không chỉ có sức mạnh đưa vùng đất giáp ranh với Đồng Nai, vốn hoang vắng xưa kia, giờ lên phố thị, mà còn khiến Đông Hà, Đức Linh trở thành 1 trong những nơi nổi bật trong thu ngân sách của tỉnh, góp phần quyết định thời điểm chuyển sang tự chủ ngân sách của tỉnh, cụ thể là năm 2025. Như năm nay, từ hoạt động của nhà đầu tư vào CCN Nam Hà 2 thuê 27 ha, đã góp về ngân sách tỉnh 45 tỷ đồng…

untitled_1.1.57.jpg
Khu dân cư xã Đông Hà
untitled_1.1.67.jpg
Đường Z30A
untitled_1.1.17.jpg
Cụm Công nghiệp Nam Hà

Trong khi đó, ngay tại Nam Hà, thôn đứng chân của các cụm công nghiệp, khu dân cư trên cũng đã và đang được thụ hưởng từ kết quả trên. Theo ông Hà Ngọc Hoàng, Trưởng thôn Nam Hà, xã Đông Hà, Đức Linh, hiện trong thôn đã xuất hiện dịch vụ nhà trọ với 11 hộ dân đang mở ra hàng trăm phòng trọ cho công nhân. Đây là dịch vụ mới, bên cạnh rất nhiều các dịch vụ sản xuất kinh doanh khác đang mở ra được kéo theo từ chính các cụm công nghiệp này. Vì vậy, nếu các cụm công nghiệp phát triển thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động nhộn nhịp thì những dịch vụ trong dân cũng đua nhau phát triển. Người dân có thu nhập cao, ổn định giúp thôn triển khai các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm thuận lợi.

Kỳ vọng của thôn, dù nhỏ nhất cũng liên quan đến sự phát triển của các cụm công nghiệp trên nên khi nghe 4 phương án di dời trại heo Vissan đến năm 2028-2029, hộ dân nào cũng tỏ rõ sự thất vọng cho cái chung lẫn cái riêng của chính gia đình mình. Nhiều hộ dân cho rằng, trong 10 năm hoạt động, trại heo Vissan đã gây ô nhiễm môi trường, bởi tiết giảm chi phí tận cùng nên lợi nhuận thu về cũng đã rất nhiều. Nên chuyển đi sớm, vì mảnh đất trại heo gần 60.000 m2 được chuyển sang đất ở đã là quá hời.

20240329_095453.jpg
Nước thải chăn nuôi heo được xả ra vườn cao su

Cũng trong nội dung ấy, từ mấy năm trước, UBND xã Đông Hà đã có công văn kiến nghị di dời trại heo Vissan với lý do rất cụ thể. Rằng Xí nghiệp chăn nuôi heo Vissan Bình Thuận, vốn được chuyển nhượng lại từ trại chăn nuôi heo theo quy mô nông trại hộ gia đình có tên trại heo Song Hà của ông Phạm Văn Hạ. Do xây dựng rất lâu, từ năm 2007 nên các công trình xử lý chất thải chăn nuôi của trại đã xuống cấp và lạc hậu, trong khi trại heo Vissan lại nuôi với số lượng heo gấp 3-4 lần so với quy mô nông trại nên mới bốc mùi ra môi trường kinh khủng vậy. Bằng chứng, hệ thống xử lý chất thải đã bị cơ quan chức năng kiểm tra xử lý vi phạm hành chính nhiều lần.

Gần nhất là tháng 10/2023, sau cuộc kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của trại heo Vissan, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản nghiêm túc thực hiện 10 nội dung. Nói chung vẫn là những nội dung mà trước đó, UBND tỉnh yêu cầu công ty này phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Đó là các nội dung trong Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường; nước thải sau xử lý phải được tuần hoàn, tái sử dụng triệt để cho chăn nuôi, không được xả ra môi trường…Đồng thời kèm theo đó là quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì mẫu nước thải sau xử lý để tái sử dụng cho hoạt động chăn nuôi, tưới cây vượt chuẩn quy định.

Ở trong tâm thế phải di dời này, chắc chắn trại heo Vissan sẽ không được đầu tư hay củng cố gì với hệ thống xử lý chất thải vốn đã bệ rạc từ lâu này. Thế thì, trong 4-5 năm chờ di dời ấy, môi trường ở đây sẽ như thế nào, khi các nhà đầu tư thứ cấp có vốn FDI bắt đầu vào các cụm công nghiệp nhiều hơn và tiến đến sẽ xây dựng khu ngoại quan để tập kết hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước tại đây? Đừng để câu chuyện “lỗ nhỏ đắm thuyền” diễn ra, vì sẽ làm kìm hãm, ngăn chặn sự phát triển chung mà lòng dân ở đây đã kỳ vọng, các nhà đầu tư đã dốc sức...

Sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo liên quan việc di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận cũng như có kiến nghị là lộ trình 4 phương án di dời trên 3 năm là quá dài, mới đây UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức cuộc họp để nghe ý kiến của các cơ quan liên quan và Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản nhằm thống nhất hướng giải quyết việc di dời.

Bài 1: Lòng dân hướng về sự phát triển chung

Bài 2: Sức hút từ sự bài bản, quan tâm

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Có cuộc “so găng” kỳ cục ở Đức Linh. Bài 1
Một bên là sự phát triển của công nghiệp, ít nhất trước mắt là giải quyết hàng nghìn việc làm, góp thu ngân sách trực tiếp cho tỉnh trong giai đoạn quyết định tự chủ ngân sách và kéo theo nhiều ngành nghề khác liên quan.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có cuộc “so găng” kỳ cục ở Đức Linh. Bài 3