Theo dõi trên

Cơ hội cho du lịch Bình Thuận “cất cánh”

11/01/2024, 05:44

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong năm qua, vai trò, nhận thức, hành động về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch được nâng lên; đồng thời cũng chỉ rõ một số tồn tại, khó khăn, thách thức mà ngành VHTT&DL phải thẳng thắn nhận thức rõ để đề ra hướng giải quyết, khắc phục.

Tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở VHTT&DL Bình Thuận Bùi Thế Nhân cho biết: Năm 2023, tỉnh vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Chuỗi hoạt động thành công rực rỡ đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp xã hội, huy động sức mạnh cộng đồng trong việc thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Năm 2023, Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt trên 23.000 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi so năm 2022), là 1 trong 9 tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Kết quả này sẽ là “cú hích” để du lịch Bình Thuận trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch miền Trung và cả nước trong thời gian tới, góp phần đưa du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển.

cao-t-1-.jpg.jpg
Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo. Ảnh N. Lân

Bước sang năm 2024, trong bối cảnh kinh tế được dự đoán còn nhiều khó khăn, tâm lý khách hàng thay đổi, việc “làm mới” sản phẩm du lịch cũng như tạo sự khác biệt được đánh giá là hướng đi bắt buộc để các doanh nghiệp lữ hành trụ vững và phát triển. Do vậy, ngành du lịch Bình Thuận cần và sẽ phải tạo ra những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn thì mới mong thu hút được đối tượng khách rộng lớn, đặt kỳ vọng sẽ có những kết quả lạc quan hơn.

Bình Thuận có lợi thế về thiên nhiên, khí hậu và hiện nay tỉnh đã, đang hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại; tận dụng cơ hội từ tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết được khánh thành, đi vào hoạt động đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển của du khách đến địa phương. Với việc đăng cai và tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” đã trở thành cơ hội lớn để du lịch địa phương trở thành điểm “hút khách” trong bản đồ du lịch miền Trung và cả nước, hy vọng du lịch Bình Thuận sẽ giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công quyết tâm phát triển du lịch xanh, bền vững, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Cần giới thiệu bề dày lịch sử hơn 300 năm, hình thành nên những nét văn hóa đặc sắc lâu đời của Bình Thuận; phát triển du lịch bền vững của Bình Thuận dựa trên thế mạnh về tài nguyên địa hình, khí hậu, tài nguyên nhân văn gắn với việc giữ gìn và và phát huy bản sắc dân tộc; nhấn mạnh sự hội tụ của nhiều nền văn hóa đặc trưng, sự hội tụ của đất trời và lòng người trên vùng đất Bình Thuận; khẳng định tinh thần hội nhập, hội tụ đủ các ưu thế để phát triển. Phát huy ưu thế này, Bình Thuận sẽ kiên trì mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững, thân thiện môi trường, hài hòa thiên nhiên; bảo tồn, quảng bá các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống và các lễ hội đặc sắc; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, nâng tầm du lịch Bình Thuận.

du-khch-tham-quan-ngh.jpg.jpg
Du khách tham quan nghỉ dưỡng tại biển Kê Gà, Hàm Thuận Nam. Ảnh N. Lân

Ngoài ra, ngành du lịch Bình Thuận cần đầu tư mạnh mẽ vào nhân sự và công nghệ, “làm mới” sản phẩm du lịch; thiết lập rộng hơn nữa các liên kết đối tác chiến lược để có chính sách giá tốt nhất, đặc biệt tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh nhà; đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, thiết kế các sản phẩm du lịch mới phân khúc tour “bình dân”, tour “cao cấp”, dòng sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tập trung cho các sản phẩm du lịch phục vụ thị trường nguồn khách lớn, chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, chú ý đến du lịch golf, du lịch tàu biển, phát triển các hoạt động ẩm thực, giải trí, mua sắm…

Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại của du lịch tỉnh nhà, mà trước hết là liên kết phát triển du lịch giữa Bình Thuận với các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa hiệu quả. Hiện vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”, liên kết ngành, nhất là giữa giao thông vận tải, công thương, y tế... với du lịch chưa chặt chẽ, chưa hình thành mối quan hệ đối tác, hợp tác cùng phát triển; chưa có các chiến dịch “kích cầu” du lịch tầm cỡ quốc gia. Các sản phẩm du lịch chưa thực sự mang đặc sắc Bình Thuận theo tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Công tác dự báo, định hướng phát triển thị trường chưa rõ nét, sát thực tiễn. Chuyển đổi số trong du lịch ở cả cấp tỉnh, cấp huyện chưa đồng bộ. Việc xúc tiến, quảng bá du lịch thiếu tổng thể và tầm nhìn dài hạn. Huy động, bố trí nguồn lực cho xúc tiến du lịch còn phân tán.

Để du lịch Bình Thuận thực sự "cất cánh" và thu hút được khách du lịch, đạt mục tiêu tăng nguồn thu, phải có những giải pháp thiết thực, tăng sức hấp dẫn của điểm đến và phải lấy du khách làm trung tâm. Muốn vậy, không chỉ cần quyết tâm và nỗ lực của một mình ngành du lịch mà còn rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Tất cả cùng tham gia trong quá trình “chuyên nghiệp hóa”, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến Bình Thuận hấp dẫn, thân thiện, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Bình Thuận theo hướng chất lượng cao.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bình Thuận đã xác định phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại địa phương, thực hiện hiệu quả phương châm “Mỗi người dân Bình Thuận là một đại sứ du lịch” cùng chung tay góp sức xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Bình Thuận trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Khép lại Năm Du lịch quốc gia 2023: “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, du lịch Bình Thuận đã có dấu hiệu khởi sắc với đà tăng trưởng này, kỳ vọng, du lịch tỉnh nhà sẽ bứt phá trong năm mới 2024 và thời gian tới. Đây cũng là bước tạo đà cho ngành “công nghiệp không khói” của Bình Thuận "cất cánh".

DỤNG VĂN DUY


(1) Bình luận
Bài liên quan
Để du lịch Bình Thuận phát triển bền vững
Năm 2023, Bình Thuận vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội cho du lịch Bình Thuận “cất cánh”