Cạnh tranh thu hút đầu tư
Bình Thuận có vị trí tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo đưa vào vận hành, thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Thuận được rút ngắn, còn 2 giờ đồng hồ. Về đường biển sẽ phát triển hệ thống dịch vụ logistics, tỉnh có cảng nước sâu Vĩnh Tân ở Tuy Phong; đang xây dựng cầu cảng khu vực Sơn Mỹ (Hàm Tân). Cùng với đó, dự kiến năm 2025, dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn sẽ hoàn thành và Bình Thuận sẽ cùng thụ hưởng tuyến này; dự án sân bay Phan Thiết với quy mô 4E sẽ đón chuyến bay đầu tiên. Từ đó, Bình Thuận sẽ có đủ các loại đường giao thông để thông tuyến lưu thông hàng hóa dịch vụ, kết nối vùng duyên hải Nam Trung bộ với khu kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ hướng biển của các tỉnh Tây Nguyên.
Cùng với sự phát triển các loại hình giao thông, Bình Thuận có 9 khu công nghiệp ưu tiên thu hút công nghệ cao, điện lạnh, điện tử, một số công nghiệp chế biến... Lĩnh vực nông lâm thủy sản, hình thành vùng sản xuất tập trung thanh long an toàn đạt sản lượng hơn 600.000 tấn/năm, sản xuất lúa đạt 800.000 tấn/năm; chăn nuôi heo, gà đạt 75.000 tấn thịt/năm; trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản hàng năm đạt 200.000 - 240.000 tấn hải sản các loại… Với bờ biển dài hơn 190 km, tài nguyên di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội truyền thống cấp quốc gia và tỉnh, là lợi thế phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, văn hóa…
Tại buổi làm việc mới đây giữa UBND tỉnh và Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng nhấn mạnh: Bình Thuận là vùng đất khô cằn, đầy nắng gió. Sau 30 năm, Bình Thuận vượt khó, giải quyết điểm nghẽn về nước. Cái khó khăn từ nắng gió thành tiềm năng, gió - làm điện gió, nắng - làm điện năng lượng mặt trời. Để phát triển kinh tế, Bình Thuận xác định 3 trụ cột gồm công nghiệp, du lịch dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với tiềm năng lợi thế và nguồn tài nguyên đa dạng, Bình Thuận có sức cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án. Cụ thể, công tác cải cách thủ tục hành chính của Bình Thuận đã đạt kết quả tích cực. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng nâng cao. Mặt khác, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức đối thoại công khai định kỳ hàng tháng với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Cam kết sự nhất quán, đồng hành
Theo đó, thành viên của Hiệp hội VKBIA quan tâm năng lượng tái tạo, phát triển du lịch xanh, trung tâm dữ liệu (Data Center)… hướng đầu tư vào các khu công nghiệp, đặc biệt Khu công nghiệp Sơn Mỹ; dự án nghỉ dưỡng, bất động sản cao cấp; xây dựng khu vực phi thuế quan liên quan đến nguồn lợi du lịch; an ninh lương thực… Bởi Bình Thuận là 1 tỉnh có vị trí quan trọng trong khu vực; cùng lợi thế về phát triển các ngành như năng lượng, công nghiệp mới, công nghệ cao, các ngành sản xuất chế tạo, phát triển kinh tế biển, phù hợp với điều kiện của địa phương; đồng thời tiềm năng về tài nguyên du lịch trong đó có du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Đoàn VKBIA trao đổi với địa phương về thu hút, xúc tiến đầu tư hỗ trợ phát triển các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương (công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, LNG, trung tâm logistic, trung tâm dữ liệu IDC, hạ tầng du lịch…); các nội dung có thể hợp tác trên cơ sở tiềm năng và mong muốn của hai bên. VKBIA sẽ tìm địa phương ở Hàn Quốc có đặc điểm tương đồng với Bình Thuận để trao đổi cụ thể và hỗ trợ xúc tiến ký kết hợp tác địa phương. Đồng thời, hỗ trợ Bình Thuận tiếp tục công tác thu hút, xúc tiến đầu tư với các đối tác Hàn Quốc và các quốc gia phát triển khác, hỗ trợ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận tại Hàn Quốc; xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Bình Thuận hoặc thông qua cửa ngõ tại địa phương sang thị trường Hàn Quốc và các quốc gia khác. Hợp tác để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương, tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Hàn Quốc và các quốc gia khác, phái cử theo loại hình lao động, du học thực tập sinh phù hợp theo quy định của pháp luật 2 nước. Thúc đẩy tăng trưởng phát triển du lịch giữa Bình Thuận và Hàn Quốc.
Theo ông Trần Hải Linh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội VKBIA, Hiệp hội VKBIA như “cánh tay nối dài”, làm cầu nối kinh tế, thương mại, du lịch, văn hóa và giáo dục giữa hai bên, tăng cường hiệu quả thực chất hoạt động của các địa phương, doanh nghiệp giữa 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng khẳng định quan điểm Bình Thuận lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, đảm bảo sự nhất quán, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện, cam kết đồng hành để cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Bình Thuận là điểm đến đầu tư lý tưởng, hấp dẫn, an toàn và những năm tới có những bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội VKBIA quan tâm hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư đến 3 lĩnh vực trọng tâm (công nghiệp, du lịch dịch vụ, nông nghiệp) cho phát triển kinh tế của Bình Thuận; hỗ trợ Bình Thuận kết nối hợp tác với địa phương Hàn Quốc có đặc điểm tương đồng để kết nghĩa địa phương.