Theo dõi trên

Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, tạo điều kiện thu hút dự án vào các KCN

15/08/2023, 05:44

Trên địa bàn Bình Thuận có 8 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng diện tích sử dụng đất hơn 2.463 ha. Trong số này hiện có 6 KCN đã đầu tư hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh, còn lại 2 KCN đang tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện các bước tiếp theo…

Tại KCN Phan Thiết giai đoạn 1 (diện tích 68,36 ha, thuộc xã Phong Nẫm - TP. Phan Thiết và xã Hàm Liêm - huyện Hàm Thuận Bắc), chủ đầu tư đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, đến nay thu hút lấp đầy diện tích đất cho thuê với 39 dự án thứ cấp. Có vị trí liền kề, KCN Phan Thiết giai đoạn 2 (diện tích 40,7 ha) cũng cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hiện thu hút lấp đầy gần 3/4 diện tích đất cho thuê với 11 dự án, còn lại khoảng 5 ha đất là dành tiếp nhận các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong thành phố Phan Thiết.

z4596763926230_fd53b69beebecdc45e6df69493c3b2b0.jpg
KCN Phan Thiết giai đoạn 2 đã cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật (Ảnh minh họa).

Thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, KCN Hàm Kiệm I (diện tích 132,67 ha tại xã Hàm Kiệm) đã đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án thứ cấp và thu hút được 17 dự án với tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 60% diện tích đất cho thuê. Nằm liền kề là KCN Hàm Kiệm II (diện tích hơn 400 ha) cũng thi công hạ tầng đảm bảo điều kiện về đường giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải, cấp điện... và đến giữa năm nay thu hút được 14 dự án thứ cấp, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 25%. Trong khi đó, KCN Sông Bình (diện tích 300 ha, tại xã Sông Bình - huyện Bắc Bình) với chuyên ngành chế biến khoáng sản titan, sau khi thi công cơ bản hạ tầng kỹ thuật đã thu hút 4 dự án chế biến titan, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 46%. Đối với KCN Tuy Phong (diện tích 150 ha, tại xã Vĩnh Hảo - huyện Tuy Phong) thì đang xúc tiến xây dựng hạ tầng, dự kiến cuối năm 2023 có thể tiếp nhận được dự án đầu tư thứ cấp.

Phía Nam Bình Thuận còn có KCN Sơn Mỹ I (diện tích 1.070 ha, tại xã Sơn Mỹ - huyện Hàm Tân) đã khởi công vào cuối tháng 8 năm ngoái và đang tiếp tục thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, việc đầu tư đường ống cấp nước cũng như trạm điện phục vụ KCN Sơn Mỹ I cũng được xúc tiến các bước ban đầu. Để cấp điện ổn định lâu dài như theo mong muốn của chủ đầu tư, vừa qua đơn vị chức năng đã đề nghị Sở Công Thương xem xét, có văn bản tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN) sớm đầu tư Trạm điện 110 KV và đường dây đấu nối nhằm cấp điện cho các KCN phía Nam Bình Thuận trong năm 2023… Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, vừa qua KCN này đã thu hút được 3 dự án gồm: Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I, Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II, dự án Kho khí LNG Sơn Mỹ với tỷ lệ lấp đầy 18,78%. Tại huyện Hàm Tân còn có KCN Tân Đức (diện tích 300 ha, thuộc địa bàn xã Tân Đức) cũng đang triển khai thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, dự kiến tiến tới khởi công xây dựng hạ tầng vào cuối năm nay. Riêng dự án KCN Sơn Mỹ II (diện tích 540 ha, có vị trí liền kề KCN Sơn Mỹ I) hiện trong giai đoạn chuẩn bị các điều kiện và đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Như vậy đến nay, các KCN trên địa bàn Bình Thuận thu hút được gần 90 dự án trong và ngoài nước, tuy nhiên tỷ lệ lấp đầy chủ yếu tập trung tại những KCN đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng. Do vậy, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng sẽ góp phần tăng sức hút dự án vào các KCN trong thời gian tới, nhất là khi tuyến đường bộ cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh là Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo được đưa vào sử dụng. Ngoài sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên khoáng sản, nông - lâm - thủy hải sản, nguồn lao động dồi dào, hạ tầng kết nối giao thông được đầu tư cơ bản… thì địa phương luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện thành công dự án, đảm bảo phát triển bền vững tại địa phương. Đặc biệt là với dự án quy mô đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như khẳng định vị thế một trong ba trụ cột kinh tế chính của Bình Thuận.

Trừ KCN Sông Bình (chuyên chế biến khoáng sản titan), còn lại các KCN khác trên địa bản tỉnh đều là KCN đa ngành, tập trung vào sản xuất, chế biến đa dạng sản phẩm như: Nông - lâm - thủy hải sản, cơ khí, điện tử, sản phẩm phục vụ tiêu dùng, nhóm ngành vật liệu xây dựng, trang trí nội thất... Được biết, các KCN tại Bình Thuận cũng thuộc danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư nên dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu theo quy định áp dụng đối với địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan

Họp bàn phát triển kinh tế ban đêm tại Bình Thuận
BTO-Ngày 11/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã chủ trì cuộc họp nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Thuận đến năm 2030.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, tạo điều kiện thu hút dự án vào các KCN