Đầu tư hợp tác song phương
Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Việt Nam và Thái Lan nói chung, Quảng Trị và Thái Lan nói riêng có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch diễn ra khá sôi động. Trong quan hệ cấp địa phương, Quảng Trị chú trọng đến việc mở rộng liên kết vùng để phát huy lợi thế của các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và Hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây (PARA EWWEC) qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 7 dự án đầu tư của nhà đầu tư Thái Lan với tổng mức đầu tư trên 100 triệu USD. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh: “Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” tại Quảng Trị sẽ là diễn đàn để các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam và Thái Lan trao đổi, chia sẻ, thảo luận về các cơ hội, định hướng và giải pháp đẩy mạnh hợp tác đầu tư. Thái Lan có thế mạnh: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, xử lý nước sạch, rác thải...”. Cùng đó, lĩnh vực công nghệ, tài chính, mạng lưới thị trường quốc tế, kỹ năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp Thái Lan đều phát triển mạnh, khi kết hợp lợi thế các địa phương Việt Nam sẽ mang lại lợi ích to lớn, thiết thực cho cả đôi bên.
Trong khi đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura cho rằng, thông qua hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” tạo cầu nối cho: Kết nối chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp hỗ trợ lẫn nhau; Kết nối nền kinh tế cơ sở, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với địa phương; Kết nối chiến lược phát triển bền vững giữa các chính sách kinh tế sinh học - kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh của Thái Lan và chiến lược phát triển xanh của Việt Nam. Đại sứ Nikorndej Balankura nhấn mạnh: “Hiện nay, Thái Lan là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 9 tại Việt Nam và là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam tại ASEAN. Điểm nổi bật của nhà đầu tư Thái Lan chính là “những nhà đầu tư chất lượng”, luôn coi trọng công việc kinh doanh đi cùng với trách nhiệm và sự phát triển bền vững của địa phương và cộng đồng nơi Thái Lan đến đầu tư”. Chương trình lần này cũng đã diễn ra hai phiên thảo luận quan trọng về: Năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao; Hành lang kinh tế Đông Tây - Thúc đẩy hợp tác và hội nhập chuỗi cung ứng.
Đề xuất đầu tư lĩnh vực lợi thế Bình Thuận
Với Bình Thuận, từ trước đến nay các doanh nghiệp từ Thái Lan đến đầu tư vẫn còn “khiêm tốn”; toàn tỉnh mới thu hút 3 dự án đầu tư từ các nhà đầu tư Thái Lan, với tổng vốn đầu tư 0,9 triệu USD. Trong khuôn khổ hội nghị Gặp gỡ Thái Lan lần thứ nhất, ông Trần Minh Hoài, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Thái Lan có thế mạnh công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, tỉnh có thể xem xét đề xuất một số lĩnh vực hợp tác về công nghiệp năng lượng, sản xuất ô tô điện, các loại hình du lịch, chế biến thực phẩm, trái cây. Về lâu dài, tỉnh sẽ phối hợp các bên liên quan để xúc tiến hợp tác đầu tư các dự án năng lượng tái tạo sử dụng công nghệ tiên tiến, dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện - điện tử, thiết bị phục vụ ngành năng lượng. Lĩnh vực ô tô điện có thể hợp tác dự án công nghiệp phụ trợ ô tô, sản xuất lắp ráp ô tô điện. Tỉnh ưu tiên xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, hợp tác phát triển các loại hình theo xu hướng hiện nay như du lịch thể thao biển, du lịch MICE, du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm; chế biến nông sản, thực phẩm. Ông Lê Trần Phú Đức, Giám đốc Công ty CP nước mắm Phan Thiết cho hay: “Chúng tôi mong muốn hợp tác doanh nghiệp Thái Lan mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nước mắm truyền thống Phan Thiết”.