Theo dõi trên

Nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang” khi lương tăng

10/08/2023, 05:47

Hơn 1 tháng từ ngày mức lương cơ sở tăng và 2 lần điều chỉnh giá xăng, dầu tăng liên tiếp gần đây, nhiều người tiêu dùng trong tỉnh lo ngại tình trạng giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng theo.

“Té nước theo mưa”

Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở chính thức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Điều này khiến nhiều người, đặc biệt là cán bộ, công chức nhà nước phấn khởi vì thu nhập được nâng cao, song cũng không ít người lo lắng vì giá cả nguyên - nhiên liệu, hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ hàng ngày rục rịch tăng theo. Hơn thế, trong 2 kỳ điều chỉnh liên tiếp gần đây (ngày 21/7 và 1/8), giá xăng dầu đều tăng ở mức khá cao khiến người tiêu dùng càng thêm lo ngại về sự “leo thang” của giá cả thị trường.

z3846164542882_5c29b5ebb523af0332ba2e1745a8157f.jpg
Hàng rau, củ, quả Đà Lạt nhích nhẹ.

Khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Phan Thiết những ngày gần đây, giá cả các thực phẩm như: thịt gà, rau xanh, thủy, hải sản tăng từ 10 - 25% trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Một tiểu thương kinh doanh thịt gà tại chợ Phú Thủy cho biết, giá các loại thịt gà tăng khá cao như: Giá đùi gà công nghiệp làm sẵn tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg, hiện có giá 75.000 - 80.000 đồng/kg; ức gà công nghiệp tăng 10.000 đồng/kg, lên mức 70.000 đồng/kg khiến sức mua giảm nhiều. Song song đó, giá một số loại rau, củ, quả cũng “nhích” nhẹ. Nguyên nhân một phần do phí vận chuyển tăng, lại thêm thời tiết mưa bão hơn 10 ngày qua đã làm lượng rau, củ bị úng khá nhiều, không đủ hàng cung cấp cho thị trường khiến giá bị đẩy cao.

z3846164512830_493df16a3d478bd8c56a79b9f08d4c49.jpg
Thời tiết mưa bão hơn 10 ngày qua đã làm lượng rau, củ bị úng khá nhiều.

“Tình hình thị trường tăng thì mình phải tăng theo nhà vườn, không thể điều chỉnh được. Đặc biệt trong tình hình mưa nhiều như những ngày qua, củ, quả tăng khoảng 20 - 30% so với lúc điều kiện thời tiết bình thường”, chị Hằng – tiểu thương bán rau củ quả Đà Lạt ở chợ Phú Thủy cho hay. Tương tự, giá nhiều mặt hàng hải sản cũng tăng 10 - 15% so với thời điểm đầu tháng 7, trong đó cá thu có giá từ 280.000 đồng/kg, mực ống từ 180.000 - 250.000 đồng/ kg… Theo giải thích của các tiểu thương, mưa gió nhiều nên lượng tàu thuyền đi biển ít, thêm dầu tăng giá, sản lượng thu về thấp nên giá hải sản phải tăng ngư dân mới bù lỗ.

Dự báo giá sẽ tiếp tục tăng

Có thể thấy, giá nhiên liệu, vận tải tăng cao trong thời gian gần đây đã tác động nhiều đến các chuỗi cung ứng hàng hóa, đẩy giá một số sản phẩm đóng gói, các loại sữa, mặt hàng tiêu dùng tăng theo. Vợ chồng chị Nguyễn Thanh Xuân (phường Phú Trinh) chia sẻ: “Vợ chồng tôi mới sinh con thứ 2, lương tăng nên cũng phấn khởi, mỗi tháng có thêm được 1- 2 triệu đồng trang trải sinh hoạt phí trong gia đình. Tuy nhiên, theo quy luật, mỗi lần lương tăng tình trạng giá cả một số mặt hàng sẽ “té nước theo mưa”, đặc biệt trong bối cảnh giá gas, xăng tăng cao vừa qua. Đặc biệt, tôi đi mua sữa cho con cũng ngạc nhiên khi giá nhiều loại sữa bột đã tăng khoảng 10 - 15% với mức tăng 20.000 - 30.000 đồng/hộp khoảng 1 tháng trở lại đây".

z3228148220463_a375db66034552193c4ed14e59591e80.jpg
Trong 2 đợt điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng cũng đã tăng gần 2.500 đồng/lít.

Với mặt bằng giá cả tiếp tục leo thang, người tiêu dùng lại phải tính toán để thắt chặt chi tiêu cho phù hợp với điều kiện gia đình. Năm nay, từ đầu tháng 5, giá điện đã tăng 3%. Trong 2 đợt điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng cũng đã tăng gần 2.500 đồng/lít. Mới đầu tháng 8 này, giá gas bán lẻ cũng đã tăng. Nhiều người dân lo ngại mặt bằng giá tiêu dùng sẽ còn có thể tăng thời gian tới, ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu chi tiêu của nhiều gia đình, nhất là khi năm học mới đang cận kề.

4474777ace810fdf5690.jpg
Nhiều người dân lo ngại mặt bằng giá tiêu dùng sẽ còn có thể tăng thời gian tới.

Theo ngành chức năng, theo quy luật kinh tế, khi lương tăng, đời sống người dân tăng, nhu cầu tăng lên nên giá cả tiêu dùng thường sẽ có sự biến động. Về xu hướng những tháng tới, có thể sẽ có nhiều mặt hàng tăng giá nhẹ nhưng không đột biến. Hiện nay, Ấn Độ và một số nước đang ngừng xuất khẩu gạo, thị trường mặt hàng này trên thế giới có chịu tác động lớn nên có xu hướng gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo ở Việt Nam sẽ tăng giá. Về mức tiêu dùng, tới đây trùng với dịp Tết Trung thu, dịp lễ 2/9, học sinh vào năm học mới… nên sức mua hàng hóa sẽ tăng. Giai đoạn cuối năm cận tết, nhu cầu tiêu dùng tăng, một số hàng hóa thực phẩm tươi sống sẽ có xu hướng tăng giá. Để đảm bảo ổn định, các ngành chức năng vẫn sẽ theo dõi, bám sát diễn biến thị trường, giá cả, nắm bắt tình hình cung cầu để kịp thời có những giải pháp quản lý.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Dịch vụ, hàng hóa tăng theo xăng
Gas tăng, ăn sáng tăng, cà phê tăng… Bởi giá xăng tăng kéo theo cái gì cũng tăng. Chính sự tăng giá nhanh ấy làm cho nhiều người lo lắng đối mặt khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang” khi lương tăng