Theo dõi trên

Cơ hội kết nối cung cầu với thị trường TP. Hồ Chí Minh

11/09/2024, 05:08

Trong tháng 9 này, chương trình kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024 sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động hướng tới hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp…

Đa dạng hoạt động kết nối

Chủ động tham gia, Sở Công Thương Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch triển khai chuỗi sự kiện trong chương trình kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm nay. Đây được xem là cơ hội hình thành kênh tiếp xúc giữa chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và chính quyền, doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thông qua đó góp phần giải quyết những vấn đề có thể phát sinh trong hoạt động thương mại, lưu thông hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm lợi thế của Bình Thuận. Ngoài ra còn thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh trong tỉnh tiếp cận và xây dựng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…

img_5660.jpg
img_5736.jpg
Các đơn vị tham gia chương trình sẽ có cơ hội kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, chương trình năm nay có triển khai kết nối cung cầu trực tuyến thông qua hoạt động: Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng gian hàng trực tuyến và nâng cao hiệu quả kết nối trực tuyến. Như hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử và trên website www.ketnoicungcau.vn, hỗ trợ doanh nghiệp vận hành gian hàng trực tuyến trong giai đoạn đầu (từ 1 - 3 tháng). Đồng thời xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp bán hàng đa nền tảng, đa phương thức hoặc mô hình kinh doanh trực tuyến kết hợp trực tiếp… Để nâng cao hiệu quả, chương trình còn hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh kết nối với các hệ thống phân phối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thông qua website www.ketnoicungcau.vn và qua những sự kiện kết nối trực tuyến tập trung theo chuyên đề.

Chương trình năm nay cũng tính đến triển khai thực hiện kết nối theo mùa vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương kết nối với các chợ đầu mối, hệ thống phân phối hiện đại. Cùng với đó còn kết nối với doanh nghiệp thương mại điện tử, đầu mối xuất khẩu và doanh nghiệp chế biến trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để ký kết hợp đồng, thu mua kịp thời nông sản mùa vụ trên địa bàn Bình Thuận…

Thêm cơ hội cho doanh nghiệp

“Điểm nhấn” của chương trình là Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024 sẽ diễn ra tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ - quận 11 vào cuối tháng 9 tới đây. Trong đó có tổ chức Hội nghị kết nối chuỗi cung ứng bền vững hàng Việt Nam, Hội nghị kết nối B2B tập trung (bên mua và bên bán kết nối trực tiếp), kết nối xây dựng kênh bán hàng trực tuyến…

Để tập trung nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu, vừa qua sở chức năng của tỉnh đã đề nghị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng địa phương đăng ký tham gia một số hoạt động kết nối cung cầu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Được biết thời gian qua, tại Bình Thuận có hơn 10 đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh đã gửi bản đăng ký nhu cầu kết nối với hệ thống phân phối TP. Hồ Chí Minh tại hội nghị. Có thể kể đến: Công ty TNHH Sản xuất nước mắm Thuận Hưng, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Hải Nam, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Ánh Dương Food, Cơ sở sản xuất nước mắm Hồng Huy, Hộ kinh doanh Nam Thạnh Hương, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất Thanh long Hàm Kiệm…

Liên quan nội dung này, Sở Công Thương Bình Thuận cũng đề nghị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh chưa tham gia thì khẩn trương đăng ký nhu cầu kết nối hệ thống phân phối TP. Hồ Chí Minh. Nhất là với các sàn thương mại điện tử, chợ đầu mối, doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu lớn: Siêu thị Co.opmart, Satramart, MM Mega Market, GO!/BigC/Tops Market, Aeon, Lotte Mart, WinCommerce, King Food Market, Genshai, Bách Hóa Xanh, Tứ Sơn Châu Đốc, Chợ đầu mối Bình Điền, Sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba, Lazada, Tridge… Sau kết nối, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp từng kết nối và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đây là phương thức kết nối cung cầu thiết thực, hiệu quả của sở chức năng trong năm nay, đồng thời là cơ hội để các đơn vị tiếp cận hệ thống phân phối TP. Hồ Chí Minh, tiến tới mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cũng trong khuôn khổ của hội nghị kết nối cung cầu, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và Lazada Việt Nam còn phối hợp tổ chức Chiến dịch “Đặc sản vùng miền trên Lazada”, dự kiến diễn ra từ ngày 26 - 29/9/2024. Hoạt động này được triển khai nhằm hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với thị trường trực tuyến, quảng bá giới thiệu sản phẩm Việt, sản phẩm OCOP, sản phẩm mang tính thương hiệu đặc trưng của từng địa phương, vùng miền trên sàn thương mại điện tử…

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã phối hợp mở rộng, thực hiện lồng ghép nội dung nhiệm vụ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan. Đồng thời chú trọng bố trí quy hoạch, sắp xếp, bố trí kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế biển, khu công nghiệp tập trung, vùng du lịch, đô thị ven biển, hiện đại tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội kết nối cung cầu với thị trường TP. Hồ Chí Minh