Thập giới cô hồn quốc ngữ văn (TGCHQNV) là tác phẩm có cái nhìn và lấy cảm hứng từ các đối tượng trong Du già của Phật giáo. Nhưng Du già đề cập đến 13 đối tượng, còn nhà vua giảm đi 3, chỉ nói đến 10 giới: 1. Thiền tăng, 2. Đạo sĩ, 3. Quan liêu, 4. Nho sĩ, 5. Thiên văn, địa lý, 6. Lương y, 7. Tướng quân, 8. Hoa nương, 9. Thương cố, 10. Đãng tử. Ông không đề cập đến đối tượng “Vua chúa” như trong Du già khi chết cũng thành ngạ quỷ bơ vơ. Điều đó dễ hiểu, vì giới ông và chính ông là thiên tử, ngôi vị cao nhất với uy quyền tối thượng điều hành và chí phối bách tính.
Nói “cô hồn” nhưng lời văn trong TLCHQNV không phải là giọng điệu để cúng tế mà là đề cập cảnh báo việc làm của những người đang sống, tỏ thái độ như những lời răn với 10 kiếp nhân sinh – Nói 10 kiếp nhưng thực ra trong giới Đãng tử có rất nhiều thành phần. Cấu trúc bài viết TLCHQNV khi nói về đặc điểm và việc làm của mỗi giới thì có phần kệ bằng 8 câu đưa ra ý kiến, nhận xét, đánh giá về đối tượng đó. Trong phần kệ, có khi đó là nhắn gửi, có chút gì trêu đùa, nhất là 2 giới “Thiền tăng” và “Đạo sĩ”. Với Thiền tăng, tháng năm “Thìn lòng trì giới”, khắc khổ đường tu, hiểu biết luân hồi, thấu được thiên đường địa ngục, nhưng cuối cùng quê hương chẳng biết nơi nào (quê hà hữu), có cứu rỗi được mình không! “Thân tâm rửa sạch quê hà hữu,/ Giới hạnh vâng đời giáo Thích Ca,/ Nói những thiên đường cùng địa ngục,/ Pháp sao chẳng độ được mình ta?”. Còn Đạo sĩ, giới thờ phụng Lão giáo, được chứng nhận của triều đình để hành sự với những thần chú huyền bí, “Vốn con bách tính/ Vâng phép tam thanh./ Xem đạo phái lau sáng bằng gương/ Đọc chân kinh dẻo dang tựa lạt”, đội lốt thần linh để phúng điếu tế độ chúng sinh, nhưng cuối cùng ai là người cứu cho đạo sĩ: “Đội lốt Thiên tôn đi độ thế,/ Độ người ai kẻ độ mình ta?”. Hai giới này được người đời kính trọng, nhưng trong mắt vua, họ đều là bách tính thần dân của đế vương, nên mới có giọng điệu hóm hỉnh như vậy. Đó cũng là đặc điểm ngòi bút khẩu khí của vua Lê Thánh Tông.
Giới Quan liêu trách nhiệm nặng nề: “làm rường làm cột” để sự nghiệp “nên ải nên thành”, có được cuộc sống “Vinh hoa lợp thế,/ Công nghiệp hơn người”, nhưng lại có cách sống vi phạm đạo đức quan nha: “Tiệc vầy la ỷ ngồi sum họp,/ Nhạc vỗ cầm tranh tiếng dõi ca”. Trong các giới, duy có giới Nho sĩ là đối tượng tác giả đặc niềm tin nhất, đó là những hiền Nho từng “Đứng tao đàn gióng cờ nghe trống./ Đến từ tường ngang thiết cầm thương”, là những người có tài kinh ban tế thế, “Ruổi dặm dài quyết chí côn bằng/ Giúp đời trị mừng điềm lân phượng”, nhưng có tránh khỏi hiện tượng “Lộc cao sao khéo lỡ người ta?” không! Giới Tướng quân từng trải nơi đầu tên mũi đạn, “đánh nội, đánh thành,/ Hoặc có kẻ đem binh đem sĩ,/ Vào hàng trận xông pha mấy phát, mình ngại chi cầm thuẫn cầm đòng./ Nằm sa trường lạnh lẽo nhiều thu, tai hằng mãi tiếng kèn, tiếng giốc”. Nhưng kết lại giới này: “Công nên nào bõ thác người ta”. (Câu này lấy ý thơ Tào Tùng: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”, nghĩa là một tướng lập nên chiến công thì làm cho vạn người chết). Có thể thấy ông là vị vua nhân đức thiết tha mạng sống nhân quần.
Những giới còn lại, tác giả bộc lộ lòng cảm thông từ hiện thực việc làm đến hậu quả. Giới Lương y: “Cao thấp ai ai đều giúp được,/ Giúp người sao chẳng giúp mình ta?”, hoặc giới Thiên văn – địa lý: “Những nói dữ lành rằng bởi đất,/ Đất nào hay cãi ngược người ta?” (ý này gợi ta nhớ đến câu ca dao: Hòn đất mà biết nói năng…). Đó không phải là lời chê bai trách móc, mà là sự cảm thông và khuyên bảo. Giới Hoa nương “Dập dìu tin bướm, tin ong” một thời “Nức khí thiên hương áo nhẹ sa (…)/ Đành màu lụa mặc hòng mua phấn,/ Ngắt đống tiền ăn để chác hoa”, rồi kết lại: “Tiếc xuân khôn tiếc, tiếc chăng được,/ Ngày tháng ai hầu kẻ đợi ta?”. Thật cảm thương! Thương cố là giới: “Đặt điều nói thuận nhân tình,/ Mắc rẻ bán đòi thời giá”, bụng dạ tiểu nhân (thằn lằn, rắn mối), lời lẽ xấu xa điên đảo nhân tình: “Lưỡi lằn khéo léo thốt văn hoa./ Của phi nghĩa làm nên lợp nước,/ Lòng bất nhân truyền để làm ca./ Lừa đảo so xem nào có khác,/ Người ta lại bán được người ta”. Còn giới Đãng tử thì đủ thành phần, có kẻ “Khăn cuốn bông cúc,/ Quần nhuộm cải hoa” làm ra vẻ phong lưu tài tử: “Nghĩ thơ, nghĩ vãn, bẻ bai cách Bắc phong tùng,/ Đàn sắt, đàn hồ, bỗng thấy xướng Tây hà liễu./ Dưới khóm trúc mím môi thổi ống,/ Trên đường hòe ngảnh cổ bắn cung”; có thành phần đáng lo trong xã hội: “Ấy con cắp chợ,/ Này chú xứ quê/ Để trễ việc cửa việc nhà/ Lo lắng đánh đàn, đánh đúm./ Thăm tìm quán khách, chơi bời dại nguyệt, dại hoa,/ Đủng đỉnh cầu đình, lơ lửng đứng đường, đứng sá”. Kẻ lại không biết sức mình, học đòi bắt chước: “Con kẻ khó, đánh đọ công thần, tâng nhau những ông triều, ông hiển,/ Nhà dột bét muốn cho lịch sự, làm tướng pha cái quyển, cái tiêu”, sống chẳng nên thân.
Chuyện 10 giới ông nói cách đây hơn 570 năm mà ngỡ như nói với người thế kỷ XXI hôm nay. Đọc TLCHQNV để hiểu thêm về vị vua rất mực quan tâm đến từng ngóc ngách đời sống nhân dân, Người chủ trương “Với dân, mọi việc lợi nên làm, mọi mối hại nên bỏ”, răn dạy các quan: “làm cho dân cường, làm cho dân giàu, làm cho dân biết lễ nghĩa, làm cho dân tin”, đã dựng nên một thời hoàng kim vô cùng kiêu hãnh vinh quang cho nước Đại Việt.