Theo dõi trên

Có một vị tướng người Phan Thiết

02/05/2019, 08:32

BT- Ở Phan Thiết có một con đường mang tên vị Thiếu tướng tài ba Nguyễn Thế Lâm. Nhưng ít ai biết ông chính là người con của thành phố biển, đã sớm giác ngộ cách mạng, không màng hy sinh gian khổ, ngược Bắc, xuôi Nam trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

                
   Ông Nguyễn Thế Lâm chụp hình cùng Đại    tướng Võ Nguyên Giáp.

Giản dị và trách nhiệm với gia đình

 Những ngày tháng 4 lịch sử, trong căn nhà cổ hơn 100 năm ở KP1, phường Xuân An, TP. Phan Thiết, anh em cháu con ở các nơi lại về quây quần. Dưới nếp nhà xưa, bao chuyện buồn vui của gia đình được ôn lại, như một cách nhắc nhở con cháu về tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, tình đoàn kết và thương yêu nhau. Trong đó mỗi lần nhắc về ông Nguyễn Kèn (tên Tướng Lâm thời đi học), mọi người lại dành những tình cảm thật đặc biệt. Với những người cháu thì ông luôn ân cần, nghiêm khắc nhưng đầy sự bao dung như một người cha. Với những người em, ông lại là một tấm gương về nhân cách chân thật, giản dị, chiều vợ, thương con. Còn trong lời kể của các con, ông rất bình dị với nụ cười đôn hậu, thủy chung, son sắc trong tình yêu và luôn giành hết khó khăn trong cuộc sống về mình.

Xông pha từ mặt trận này sang mặt trận khác trên chiến trường và có người phục vụ, vậy mà trở về gia đình, về cuộc sống đời thường, Tướng Lâm sẵn sàng làm mọi việc cho con, cho cháu. Nhớ lại lần cậu giặt quần áo cho mình, chị Huỳnh Thị Cẩm Hồng – cháu gái ông, đôi mắt đỏ au vì ân hận xen lẫn sự xúc động. “Lần đưa má và các em về Nam, sau khi trở lại Hà Nội, đi tàu xe một mình ra Bắc, lúc đó đường sá chưa thông nên mệt lắm. Ra tới Hà Nội, trời mùa đông rất lạnh, cậu đã nấu nước nóng xách vào nhà tắm cho tôi. Tắm xong tôi chui vào chăn ngủ vùi không biết gì hết. Đến khi tỉnh dậy, định vào giặt quần áo thì không thấy đâu hết. Tôi hỏi cậu thì biết cậu đã giặt cho hết rồi. Đem chuyện này hỏi chị Dư Loan thì chị nói “ba chị vẫn làm thế”. Cậu tôi là người như vậy đấy”.

                
      
   Ông Nguyễn Thế Lâm (thứ hai từ phải qua)    chụp cùng gia đình em gái Mười Sạng trong một dịp về Phan Thiết.

Mấy năm rồi vắng bóng ba, nhưng trước sân ngôi nhà nhỏ ở phố Đội Cấn (Hà Nội) những giò hoa lan, hoa trà vẫn nở đầy. Mỗi góc nhà, mỗi kỷ vật đều gắn bó một kỷ niệm, đâu đâu cũng ấm áp hơi ấm của ông. Ông như đang bên cạnh, với chiếc xe đạp Thống Nhất cũ, đôi dép da, chiếc mũ bê rê và bộ quân phục đã phai màu vẫn thường ngày đi thăm bạn bè đồng đội hay đi tham gia câu lạc bộ, vào các thư viện đọc sách. Nhớ về ba, chị Nguyễn Thị Dư Loan – con gái Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, tự hào: Những lần ba tranh thủ ghé nhà lại cõng con gái đi ăn kem ở Bờ Hồ. Rồi những lần hiếm hoi về ăn tết, ông phụ vợ gói bánh ú, bánh tét, nấu món thịt kho măng như hồi ở quê Phan Thiết và dẫn con ra chợ hoa, đi xem bắn pháo hoa. Giọng kể đôi lúc rung rung và ngắt quãng vì xúc động, bởi sự thèm nhớ vị giòn rụm của chén cơm rang – “món tủ” của ba vẫn chiêu đãi cả nhà mỗi cuối tuần. Bởi nỗi ấm ức, giận hờn của cái tuổi mới lớn, vì những rắc rối mỗi lần xe máy không nổ hay đơn giản vì con mèo ốm chết. Càng thương ba hơn, khi những ngày nghỉ hưu, ông vẫn không ngưng nghỉ công việc: “Ba tự nuôi gà, nuôi thỏ để lấy trứng và thịt cho cháu. Tuy lớn tuổi nhưng ông không ngừng đọc và ghi chép. Mỗi năm ba lại đề ra cho mình nhiệm vụ phải làm gì và cuối năm tự tổng kết đã làm được gì, những việc cần làm tiếp theo”.

Ông Lâm rất nặng lòng với quê hương. Lúc còn sống ông thường xuyên về Phan Thiết, thích ăn những món dân dã của xứ biển. Thậm chí cuối giường nằm ông treo một tấm ảnh Tháp nước, khi bệnh nặng dù có quên đi nhiều điều nhưng nhìn hình ảnh ấy vẫn tự hào nói: “Phan Thiết quê tôi đấy”. 

Ngược Bắc, xuôi Nam

Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, sinh năm 1918, tại làng Tân Xuân, huyện Hàm Thuận (nay là phường Xuân An, TP. Phan Thiết). Ông xuất thân trong một gia đình khá giả. Cha ông không chỉ lo làm giàu mà còn có đầu óc cầu tiến, canh tân.

Là người ham học, chàng thanh niên Nguyễn Kèn từ quê nhà ngược ra Quy Nhơn, cố đô Huế rồi tới Hà Nội học Đại học Y khoa những năm đầu thập kỷ 40. Cũng thời điểm này đang diễn ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II. Pháp sớm thua trận. Nhật đã vào Việt Nam và Đông Dương. Phong trào yêu nước trong học sinh, sinh viên (SV) lúc bấy giờ đang sôi nổi. Sinh viên Nguyễn Kèn sớm giác ngộ và tìm đến với cách mạng qua phong trào thanh niên SV cứu quốc. Ông rất hăng hái hoạt động trong các phong trào chống Pháp, thậm chí xin chuyển sang học ngành lâm nghiệp vì muốn sớm thoát ly đời sinh viên để tham gia cách mạng, khi được biết có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về tới Việt Bắc. 

Trong cuốn hồi ký của mình, Tướng Lâm ghi: “…Chưa hiểu lý tưởng của Đảng, chưa biết nguồn gốc Việt Minh, nhưng động cơ yêu nước đã đưa tôi vào tổ chức Việt Minh để tham gia giành độc lập cho đất nước. Đọc lời kêu gọi bí mật của Nguyễn Ái Quốc, biết Người đứng đầu tổ chức Việt Minh của cả nước, tin tưởng ở “vị cứu tinh của dân tộc”, tôi đã bắt đầu suy nghĩ, đơn giản như thế trên con đường cứu nước, tìm đến với Đảng”. Không chỉ sớm nhìn thấy ánh sáng của cách mạng, ông còn khuyên hai em của mình là Mười Sạng và Mười Sơn nhanh chóng thoát ly, rời thành phố lên chiến khu nhận công tác kháng chiến tùy sở trường.

Dấu ấn về tài thao lược trên chiến trường của Tướng Lâm được thể hiện rõ ở 101 ngày ra quân tại mặt trận Nha Trang cuối năm 1945. Đó là sự vận dụng xuất sắc những bài học về chiến tranh nhân dân, về hai đòn chiến lược của chủ lực và chiến tranh du kích. Đặc biệt khi về nhận nhiệm vụ Tư lệnh Pháo binh vào cuối năm 1964, nhận thấy hỏa lực pháo binh cho tới lúc này vẫn chưa có loại pháo nào có tầm xa, uy lực mạnh, bộ đội vẫn sử dụng những khẩu ĐKZ 75 và 57, những khẩu cối 81 hoặc 82, những khẩu sơn pháo 75. Nhiều lần làm việc tại Quảng Bình, Vĩnh Linh, ông không thể yên lòng trước cảnh bao nhiêu pháo nặng có xe kéo đều nằm lại đây cả. Thêm yêu cầu của chiến trường phải tăng sức mạnh hỏa lực, ông đã nảy ra ý định cải tiến vũ khí, để có thể chuyển giàn pháo BM-14 (BM-14 là những giàn hỏa tiễn “Cachiusa” mà quân đội Liên Xô đã sử dụng trong cuôc chiến tranh chống phát-xít Đức xâm lược, nhưng lại to, cồng kềnh, quá nặng so với sức vác của pháo thủ) vào chiến trường miền Nam.

Tư lệnh Tăng – Thiết giáp Nguyễn Thế Lâm cùng các tư lệnh ngành khác đã có đóng góp quan trọng trong chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là tham gia họp rà soát từng chuyên đề của kế hoạch tổng tiến công. Phân tích những vấn đề phòng ngự của địch, phạm vi phòng ngự chiến lược, cũng như phòng ngự chiến dịch và chiến thuật của địch, vấn đề phòng không, pháo đánh độc lập, pháo kích… Giờ phút chiếc xe tăng đầu tiên vào Tổng hành dinh ngụy quân, ngụy quyền, lá cờ giải phóng bay cao trên Dinh Độc Lập, cũng là giờ phút các vị tư lệnh quân đội và ông Lâm giữa Sở chỉ huy tiền phương và Tổng hành dinh tưng bừng một không khí “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.  

“Bàn tay Bác, ấm cả lòng tôi”

Một kỷ niệm vô giá trong cuộc đời quân ngũ được Tướng Lâm ghi lại là khoảng thời gian cuối tháng 1/1946, ông vinh dự ra Hà Nội báo cáo với Bác Hồ về tình hình chiến đấu của quân dân Nha Trang – Khánh Hòa. Sau khi làm việc với Bộ Tổng tham mưu, thì được thông báo hôm sau đến Bắc Bộ phủ báo cáo tình hình mặt trận Nha Trang với “Ông Cụ”. “Thật sửng sốt và bất ngờ vì trong những ngày nước sôi lửa bỏng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bận trăm công nghìn việc, vậy mà Người vẫn dành thời gian gặp gỡ chúng tôi. Trong những ngày chiến đấu ở mặt trận Nha Trang được nghe bao nhiêu chuyện về “Ông Ké” (tức Bác Hồ) ở chiến khu Cao – Bắc – Lạng trước ngày Bác về thủ đô Hà Nội. Nay được gặp Bác, tôi thấy Bác rất gần gũi và luôn quan tâm đến đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Với lực lượng vũ trang, lúc này Bác đặc biệt theo dõi chiến sự ở các mặt trận phía Nam”.

Đến đầu năm 1959, lúc đang công tác ở Bộ Tư lệnh Pháo binh, ông lại được lệnh về làm sĩ quan cận vệ của Bác vào dịp Tổng thống Ấn Độ Praxát sang thăm nước ta. Chứng kiến sức làm việc kỳ diệu của Bác, lịch làm việc sít sao, đúng giờ nào việc nấy và dù bận khách như thế nhưng Bác không bao giờ quên thăm hỏi tình hình anh em phục vụ. 7 năm sau, ông lại có vinh dự báo cáo và đưa Bác đi xem bắn hỏa tiễn A12+ĐKB chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân. Cuối năm 1969, được Bác Hồ bắt tay tại hội nghị cán bộ cấp cao để phổ biến nhiệm vụ chiến đấu Xuân Mậu Thân, càng thôi thúc, giục giã mọi người trước khi bước vào trận chiến đấu mới.

 Từ những lần được ở cạnh Bác, làm việc với Bác, đã tác động không nhỏ đến thái độ làm việc và phong cách của Tướng Lâm sau này. Đó là bài học về chiến tranh nhân dân, là sự dứt khoát, trình bày ngắn gọn, dễ hiểu trong công việc và sự giản dị, khiêm nhường trong cuộc sống đời thường.   

Con đường mang tên Nguyễn Thế Lâm

Hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, Phan Thiết đang được khoác lên mình chiếc áo mới, giữa những ngôi nhà cao tầng là màu xanh của cây lá, các đoàn thuyền tôm cá đầy khoang đang nhộn nhịp nơi bến cảng, của tiếng sóng biển vỗ về êm ả mỗi chiều… Quả ngọt của ngày hôm nay, khiến tôi hình dung về hình ảnh  những người mẹ ngoan cường lúc đào hầm nuôi giấu cán bộ, nấu cơm tiếp tế cho cách mạng. Những cán bộ, chiến sĩ năm nào nắm chắc tay súng, chiến đấu với đòn tra tấn của kẻ thù và những đóng góp của các vị tướng tài ba như ông Nguyễn Thế Lâm.

Càng tự hào khi năm 2017, UBND TP. Phan Thiết đã lấy tên ông để đặt tên đường. Đoạn đường dài 100 m, rộng 9 m thuộc khu dân cư Hùng Vương, phường Phú Thủy (lô E trước đây). Việc đặt tên đường Nguyễn Thế Lâm giúp cho thế hệ trẻ chúng tôi – những người may mắn sinh ra trong hòa bình luôn ghi nhớ về truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống văn hóa của ông cha ta. Từ đó sống, làm việc có trách nhiệm hơn để gìn giữ, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Ký của Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có một vị tướng người Phan Thiết