Ngày đó, khi mới đặt chân đến mảnh đất Mũi Né đầu tư, thứ duy nhất níu kéo nhà đầu tư chính là khung cảnh và con người ở đây quá tuyệt vời. Biển, trời, con người như có một ma lực vô hình nào đó níu giữ chân người. Nhưng, mọi thứ trở thành nỗi lo khi nguồn nước sạch chưa có, điện thi thoảng bị cúp tuần vài ba bận. Một áp lực đè nặng cho doanh nghiệp du lịch.
Hầu hết các doanh nghiệp du lịch mặn mà với mảnh đất thấm đẫm tình người, nhưng giờ đây khi Mũi Né trở thành “thiên đường” nghỉ dưỡng hay thủ đô resort, mới chợt giật mình. Một con đường Nguyễn Đình Chiểu nối liền Huỳnh Thúc Kháng bao nhiêu năm qua vẫn thiếu vỉa hè cho khách đi bộ. Một con đường mà sau mỗi cơn mưa, nước đọng thành vũng và người lưu thông lại bị ướt mình khi có những chiếc xe tải, xe buýt hay xe khách chạy qua. Một con đường hình thành từ nhiều năm qua, có thể là huyết mạch của khu du lịch nổi tiếng, lại được dặm vá theo kiểu “rách đâu vá đó”. Khách du lịch mùa cao hay thấp điểm lúc đi bộ phải nhìn ngó, né tránh nước đọng. Họ tự thấy thú vị bởi thiên đường nghỉ dưỡng khác xa nước mình. Con đường đó nhiều năm qua vẫn chưa được nâng cấp.
Doanh thu du lịch mỗi năm theo báo cáo vài ngàn tỷ đồng, nhưng câu chuyện tái đầu tư vẫn còn bỏ ngỏ. Doanh nghiệp du lịch ước mơ có một con đường có hệ thống thoát nước nhanh chóng, được nâng cấp chỉnh chu để không còn loang lỗ, có vỉa hè cho du khách bộ hành. Quả thật khó thế sao!?
Nhiều người ví von con đường 706 là con đường dẫn tới thiên đường, thì con đường huyết mạch nối dài Nguyễn Đình Chiểu và Huỳnh Thúc Kháng giữa thủ đô resort là con đường của lao động. Bởi hàng ngày, con đường huyết mạch này phải gồng gánh lưu lượng xe quá lớn trên lưng, nhưng lại ít được định kỳ “chăm sóc”. Và khi sức đề kháng của nó không còn, hẳn phải tiêu tốn thêm ngân sách để làm mới. Chờ đợi một lần thay áo cho con đường huyết mạch của du lịch.
Quang Nhân