Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), cùng đại diện sở ngành, các hiệp hội, hợp tác xã thanh long tham dự.
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ, sau 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, “Thanh long Bình Thuận” đã chính thức được Cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào ngày 7/10/2021. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam được bảo hộ tại đất nước Mặt trời mọc (sau Vải thiều Lục Ngạn). Chỉ dẫn địa lý tạo điều kiện thanh long sạch Bình Thuận vào thị trường Nhật và các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh nhấn mạnh: “Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên là vinh dự cho tỉnh. Hiệp hội Thanh long Bình Thuận tăng cường hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thanh long sử dụng tem, nhãn hiệu gắn chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận”; xúc tiến quảng bá thương hiệu gắn chỉ dẫn địa lý này xuất khẩu sang thị trường nước ngoài cho các thanh viên hiệp hội. Cùng đó, Sở Khoa học & Công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận tập huấn tuyên truyền đến các doanh nghiệp, HTX, trang trại thanh long về cách sử dụng chỉ dẫn địa lý, các quy định của Nhật Bản, quy chế, quy trình sản xuất thanh long được công bố. Qua đó các đơn vị nắm bắt để thực hiện trồng, xuất khẩu thanh long sang Nhật và các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand…).
Trong khuôn khổ này, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã trao văn bằng chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản cho lãnh đạo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận.