Theo dõi trên

Công điện đối phó ATNĐ, có thể mạnh lên thành bão

01/09/2019, 20:54

BTO- Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ ngày 1/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc, 117,3 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Dự báo ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng thành bão.

                
      Biển động mạnh tại các địa phương ven biển Bình Thuận.

Hiện nay khu vực vùng biển Bình Thuận tiếp tục chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động có cường độ mạnh. Trong 24 giờ tới, vùng biển Bình Thuận (bao gồm huyện đảo Phú Quý) có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2 - 3,5m. Trong cơn dông cần đề phòng sét, lốc xoáy và gió giật mạnh. Khu vực ven biển các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi, TP. Phan Thiết và các huyện đảo Phú Quý đề phòng nguy cơ sạt lở bờ biển do gió mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường.

Để chủ động đối phó với ATNĐ có thể mạnh lên thành bão và mưa lớn trên diện rộng, gây lũ, lũ quét, ngập lụt, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh vừa phát công điện, đề nghị UBND và Ban chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương vùng biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, hướng di chuyển còn phức tạp, tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường, hướng di chuyển còn phức tạp. Phối hợp với các Đồn Biên phòng trong khu vực, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm và có kế hoạch sản xuất phù hợp. Tổ chức neo buộc các lồng bè nuôi trồng thủy sản chắc chắn. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát các khu vực hay bị sạt lở ven biển, nhất là các khu vực dân cư để chủ động sơ tán người và tài sản các hộ dân bị sạt lở, uy hiếp trực tiếp đến nơi an toàn. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu du lịch ven biển.

Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thông báo cho chủ doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch trên địa bàn biết, khuyến cáo du khách không tắm biển trong những ngày thời tiết xấu, dòng nước thay đổi nguy hiểm đến tính mạng.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở Nông nghiệp & PTNT và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển có trách nhiệm theo dõi, quản lý, kiểm đếm và kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, có kế hoạch đi biển và sản xuất phù hợp. Duy trì thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để hướng dẫn, xử lý kịp thời các tình huống, sự cố có thể xảy ra. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, đập dâng, công trình đang xây dựng, trực ban 24/24 giờ vận hành an toàn hồ chứa theo quy trình, bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân ở khu vực hạ du hồ chứa nước. Thông báo kịp thời cho UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố và nhân dân khu vực hạ du biết trước khi vận hành xả lũ theo quy định.  UBND và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương chủ động huy động nguồn lực tại chỗ triển khai khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra vừa qua, tình hình mưa, lũ, ngập lụt trên địa bàn quản lý, hỗ trợ người dân thu hoạch sản xuất nông nghiệp. Khắc phục ngay công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc và có phương án chống ngập úng cho các khu dân cư.

Một số sở ngành và đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng xung kích ứng cứu, tham gia hỗ trợ, ứng cứu các địa phương, người dân thu hoạch sản xuất, tiến hành sơ tán, di dời người và tài sản đến nơi an toàn khi xảy ra thiên tai. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, các cơ quan báo, đài và Cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thời tiết, ATNĐ trên biển Đông (khả năng mạnh lên thành bão), gió mạnh, sóng lớn, triều cường, tình hình sạt lở bờ biển, diễn biến về mưa, lũ và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chính quyền và người dân biết, chủ động ứng phó.

Yêu cầu UBND huyện Phú Quý chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, hàng hóa thiết yếu tại đảo để chủ động đảm bảo ổn định đời sống, sinh hoạt khi gió mạnh, sóng lớn, giao thông bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó, khắc phục sự cố. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, tình hình thời tiết, gió mạnh, sóng lớn, diễn biến mưa, lũ trên địa bàn mình quản lý, tham mưu chỉ đạo, điều hành ứng phó, xử lý kịp thời…

K.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tinh gọn bộ máy: Khó mấy cũng phải thực hiện cho được
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Thời điểm này, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt triển khai. Thực tế cho thấy công việc này là rất khó, nhưng khó mấy cũng phải thực hiện cho bằng được.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công điện đối phó ATNĐ, có thể mạnh lên thành bão