Theo dõi trên

Công nhận Linga vàng là bảo vật quốc gia và Khai hội Katê năm 2024

02/10/2024, 12:13

BTO- Sáng 2/10, tại di tích tháp Pô Sah Inư, TP.Phan Thiết, đã diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng Bình Thuận và khai mạc Lễ hội Katê năm 2024.

dsc08090.jpg
Lãnh đạo tỉnh tham dự lễ khai mạc 

Ông Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, bà Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Bà Nguyễn Thị Thuận Bích – Phó Chủ tịch HĐND, lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương tham dự lễ.

dsc08306.jpg
Ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh, tặng quà cho chức sắc và cộng đồng người Chăm 
dsc08082.jpg
Lãnh đạo tỉnh và các chức sắc tham dự lễ khai mạc 

Tại buổi lễ, ông Võ Thành Huy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: Linga vàng được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ tại khuôn viên Khu di tích tháp Chăm Po Dam (thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) để phục vụ công tác trùng tu, phục hồi một số hạng mục kiến trúc của di tích.

z5889247101961_8c0c0e6200580197f8ea4f44c2313937.jpg
Ông Võ Thành Huy - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh, thông qua quyết định công nhận bảo vật quốc gia

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã triển khai xây dựng hồ sơ hiện vật Linga vàng, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Ngày 18/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 - năm 2023; trong số 29 bảo vật quốc gia được công nhận đợt này, có Linga vàng tỉnh Bình Thuận.

dsc08327.jpg

Bảo vật quốc gia Linga vàng của tỉnh Bình Thuận có niên đại khoảng thế kỷ VIII- IX, là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ; là biểu tượng sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài. Linga vàng được chế tác rất đặc biệt, có trọng lượng 78,36 gram với tỷ lệ vàng rồng chiếm 90,4%. 9,6% còn lại là bạc và đồng.

dsc08272.jpg
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định, bảo vật quốc gia Linga vàng có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích Pô Dam nói riêng và văn hóa Chăm nói chung. Đây là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của cộng đồng người Chăm trước đây.

nhan.jpg
Giám đốc Sở trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích khảo cổ, phát hiện và bảo quản báu vật.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bảo tàng tỉnh tiếp tục rà soát, chọn lọc những hiện vật, cổ vật có giá trị tiêu biểu, đặc sắc, độc đáo, đáp ứng đủ tiêu chí để lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia nhằm bảo tồn và tôn vinh những giá trị di sản văn hóa của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

img_4370.jpeg
Đại diện chức sắc ở các địa phương về dự lễ 

dsc08167.jpg
Chuẩn bị lễ rước y trang 

Việc đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đã góp phần làm cho Lễ hội Katê năm nay thêm phần trang trọng, sôi nổi với niềm vui mừng, hân hoan của cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận. Ngay sau phần khai mạc, lễ hội Katê bước vào nghi thức quan trọng nhất là lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư. 

img_4374.jpeg
img_4368.jpeg
img_4360.jpeg

Dòng người rước y trang Nữ thần kéo dài từ sân lễ đến tháp chính. Tiếp nối là các nghi thức của phần lễ như: mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính… Phần hội diễn ra rộn ràng với các trò chơi dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Chăm như: trang trí Thôn- la; làm bánh gừng…

dsc07894.jpg
Thi trang trí Thôn - la
dsc07880.jpg

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Chăm, Lễ hội Katê năm 2024 thu hút đông đảo người dân và du khách đến nghiên cứu, thưởng thức văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, nhất là các hoạt động trong phần hội. Lễ hội Katê năm nay diễn ra trong 2 ngày (1 và 2/10).

dsc08499.jpg
Du khách quốc tế đến tìm hiểu về lễ hội Katê 
a3e3671ccea968f731b8(1).jpg
Lễ rước y trang lên Tháp 

Đây là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Balamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Lễ hội Katê phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Chăm. Với ý nghĩa văn hóa - lịch sử quan trọng, Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

QUANG NHÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (2/10)
Lễ hội Katê lần đầu phục dựng ở tháp Pô Sah Inư; Tập trung lãnh đạo tổ chức tốt đại hội chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 – 2027; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP từ các hợp tác xã; Tánh Linh: Gia tăng tình trạng tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 2/10/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhận Linga vàng là bảo vật quốc gia và Khai hội Katê năm 2024