Nâng cao chất lượng dân số thành nội dung trọng tâm. |
Chương trình hành động số 41 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Công tác dân số trong tình hình mới” xác định một số mục tiêu đến năm 2030. Cụ thể, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, quy mô dân số toàn tỉnh dưới 1,4 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; duy trì 75% số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 70% số trẻ vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt những dân tộc có rất ít người. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%. Tuổi thọ bình quân đạt 76,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ BHYT được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, Bình Thuận đặt ra giải pháp chuyển trọng tâm từ tập trung vào KHHGĐ sang dân số và phát triển. Đặc biệt giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương. Ngoài ra, sẽ đổi mới nội dung tuyên truyền về công tác dân số, thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật, có chất lượng về các vấn đề dân số nhằm tạo dư luận xã hội thuận lợi. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, tập trung vận động sinh ít con hơn ở các vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Cùng với đó cần phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh, bền vững và thích ứng với già hóa dân số. Bên cạnh việc phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ dân số, thì việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số cũng cần được chú trọng. Đồng thời, củng cố mạng lưới dịch vụ KHHGĐ, phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân…
Nhìn lại công tác dân số thời gian qua, tỉnh ta đã đạt những kết quả quan trọng. Năm 2017, dân số trung bình của tỉnh 1.307.300 người; tỷ suất sinh còn 13,4‰, giảm 0,2‰ so năm 2016; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 13,9%, giảm 0,2%; tỷ số giới tính khi sinh: 114% (chỉ tiêu giao không vượt quá 114%)… Nhờ đó, chất lượng dân số ngày càng được nâng lên, đây là minh chứng cho sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác dân số - KHHGĐ.
THU HÀ