Chủ động phối hợp giải quyết việc làm
Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, những năm qua, nhờ triển khai thường xuyên công tác tuyên truyền nên nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm có chuyển biến tích cực. Người dân đã ý thức được việc học nghề để tìm kiếm việc làm, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ; các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể để tuyển sinh, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường, đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm cao. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ, các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể tuyển sinh, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trang thiết bị dạy nghề trọng điểm cơ bản đáp ứng theo quy định; học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp xúc, thực hành với trang thiết bị hiện đại, qua đó nâng cao được kỹ năng nghề và tiếp cận được thực tế sản xuất.
Mặt khác, tình hình phát triển kinh tế, hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực, giúp người lao động có nhiều thông tin về việc làm, thu nhập tốt, phù hợp với chuyên môn, trình độ của người lao động. Công tác cho vay vốn giải quyết việc làm được triển khai thực hiện kịp thời, các dự án cho vay đạt hiệu quả tốt, tạo chỗ việc làm mới cho người lao động.
Song song với hình thức tổ chức giao dịch việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức các buổi tư vấn về đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên ở xã, phường, thị trấn; tổ chức hội thảo thanh niên học nghề, lập nghiệp... Thông qua đó tuyển chọn được nhiều thanh niên đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, đã tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chính sách của Trung ương và của tỉnh về việc làm; các thông tin về thị trường lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài cho thanh niên trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 127.000 học viên, đạt 107,6% kế hoạch. Số LĐNT có việc làm sau khi học nghề đạt trên 80%.
Đảm bảo LĐNT có việc làm từ 80% trở lên
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, toàn tỉnh đào tạo nghề cho LĐNT đạt thêm 30.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt từ 70 - 75% và đến năm 2030 đạt từ 75 - 80%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 30 - 32% và đến năm 2030 đạt từ 32 - 37%. Đảm bảo LĐNT sau đào tạo nghề có việc làm từ 80% trở lên.
Để đạt mục tiêu trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tích cực triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền, tư vấn học nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức. Cùng với đó, tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đối với công tác đào tạo nghề; đẩy mạnh các cuộc vận động, kết hợp nhiều biện pháp, hình thức triển khai để huy động mọi nguồn lực cho công tác đào tạo nghề.
Đồng thời, tập trung đào tạo nghề cho LĐNT bằng nhiều hình thức, mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo dõi và đôn đốc việc triển khai các mô hình dạy nghề mang lại hiệu quả cao. Phát triển hình thức ký hợp đồng đào tạo nghề giữa UBND cấp xã với các cơ sở dạy nghề, đảm bảo cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có được việc làm ngay; đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Chú trọng giải quyết việc làm cho nông dân, đảm bảo thu hút lao động làm việc tại chỗ và nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động. Đồng thời, tăng cường công tác cho vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn thu hồi đối với những dự án tạo nhiều chỗ làm việc, thu nhập ổn định phù hợp với lợi thế, yêu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương...
Nửa đầu năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 13.345 lao động, đạt 66% so kế hoạch năm và bằng 115% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cho vay vốn giải quyết việc làm cho 2.280 lao động, đạt 162% so với kế hoạch năm. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 4.638 người, đạt 46,38% so với kế hoạch năm và bằng 183,68% so với cùng kỳ năm 2023. Từ nay đến cuối năm 2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phấn đấu hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 20.000 lao động; trong đó, cho vay vốn giải quyết việc làm cho 2.500 lao động; tổ chức đào tạo nghề đạt 10.000 người (đạt 100% kế hoạch năm)...