Tham dự tại điểm cầu Bình Thuận có đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng -Bí thư Tỉnh ủy, cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh.
Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, ngày càng đi vào nền nếp, bài bản, hiệu quả. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nhất là vụ án, vụ việc phức tạp, kéo dài, có khó khăn, vướng mắc. Chủ động phát hiện, khởi tố, điểu tra, xử lý nghiêm một số vụ án, vụ việc mới liên quan đến các hành vi sai phạm diễn ra từ các năm trước và những sai phạm mới phát sinh.
Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát, đưa 74 vụ án, 33 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn vào diện theo dõi, chỉ đạo. Khởi tố mới 456 vụ án/1.265 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 823 bị can.
Kết quả hoạt động trong 6 tháng năm 2024, tiếp tục khẳng định vai trò, sự cần thiết của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những kết quả nổi bật và những tồn tại, hạn chế, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm 2024...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nhấn mạnh: Công tác PCTNTC là quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tích cực, toàn diện trong thời gian vừa qua. Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh qua thời gian hình thành, hoạt động đã cho thấy được tính đúng đắn, cần thiết, phù hợp, thực chất và hiệu quả. Từ đó, công tác PCTNTC đã được triển khai thông suốt, nhất quán "trên nóng, dưới cũng nóng" từ Trung ương đến địa phương.
Theo đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương, thời gian đến, các địa phương cần tập trung công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo và Ban Chỉ đạo Trung ương giao cho các địa phương chỉ đạo xử lý. Đổi mới nội dung, phương thức, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Đồng thời cần chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, nhất là chế độ hội họp; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy sớm kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy có đủ phẩm chất, năng lực.
Cũng tại hội nghị lần này, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng đã quán triệt nội dung Quy định 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.