Theo dõi trên

Công tác tuyển quân năm 2022: Để “quân không thiếu một người”

07/01/2022, 06:44

BT- Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2022 đang bước vào giai đoạn nước rút. Đây cũng là thời điểm các thế lực thù địch, phản động tăng cường sử dụng mạng xã hội, internet lan truyền những bài viết phản động, bày cách trốn tránh thực hiện quyền nghĩa vụ quân sự. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển quân.

Hơn lúc nào hết, từ đây đến ngày diễn ra lễ giao nhận quân năm 2022, công tác tuyển quân phải thực sự trở thành nhiệm vụ hàng đầu của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

hinh-tuyn-quan.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong tặng hoa các tân binh lên đường nhập ngũ.

Thách thức

Bác Hồ đã từng nói, quân đội là “môi trường lớn” của thanh niên. Môi trường đó với đặc tính thống nhất, kỷ luật nghiêm minh, tinh thần tập thể, tình đồng chí, đồng đội, là nơi để mỗi thanh niên phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Vì thế, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là thời chiến hay thời bình, được đứng trong hàng ngũ quân đội để bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào; là truyền thống, nét đẹp văn hóa của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Tuy nhiên, vì những lợi ích cá nhân, vì những suy nghĩ thiển cận mà nhiều thanh niên đã chối bỏ nghĩa vụ công dân của mình đồng thời bày vẽ cho nhau những hành vi, qua mắt các cơ quan chức năng để trốn nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Nếu tư tưởng không vững vàng, không bản lĩnh sẽ dẫn đến những hành vi lệch lạc, đáng lên án. Những việc làm đó vừa trái đạo đức công dân vừa trái pháp luật và chắc chắn sẽ chịu hình phạt của pháp luật. Cụ thể: Phạt từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng, đối với những trường hợp không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi mà không có lý do chính đáng; phạt từ 1,5 triệu đồng - 2,5 triệu đồng nếu không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng; phạt từ 2 triệu đồng - 4 triệu đồng nếu gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự hoặc đưa tiền, vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe.

Ngoài việc phạt hành chính, người trốn nghĩa vụ quân sự có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015, người nào không chấp hành đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm; hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Đặc biệt, nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; phạm tội trong thời chiến hay lôi kéo người khác phạm tội thì mức phạt tù từ 1 - 5 năm.

Nhiều giải pháp

Năm 2022, Chính phủ giao cho tỉnh Bình Thuận tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là 1.631 công dân, tăng 85 công dân so với năm 2021. Trong đó, tuyển chọn vào Quân đội nhân dân là 1.300 công dân và tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân là 331 công dân. Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang xây dựng kế hoạch tổ chức phát lệnh gọi công dân nhập ngũ từ cấp huyện đến cấp xã, phường đảm bảo trang trọng, ý nghĩa.

Có thể nói, năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương trong tỉnh vừa tập trung nguồn lực, chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Song song đó, công tác tuyển quân vẫn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và được thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ, quyết liệt, nghiêm túc. Công tác tuyển quân diễn ra đúng theo luật định. Có rất nhiều thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ, mang theo khát vọng, nhiệt huyết của tuổi trẻ bảo vệ, xây dựng quê hương. Tuy nhiên, khó khăn cũng rất nhiều khi mà dịch Covid-19 đã khiến cho công tác tuyên truyền, khám tuyển và quản lý số lượng, chất lượng công dân trong độ tuổi nhập ngũ, nhất là công dân đi làm ăn xa trở nên khó hơn.

Với phương châm: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, các địa phương trong tỉnh đã và đang xác định công tác tuyển quân là nhiệm vụ trọng tâm trong năm; luôn quan tâm, chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật NVQS, làm cho mỗi công dân thấy rõ niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự, tránh tình trạng “nhờn luật” trong công tác tuyển quân. Ngoài ra, các cấp, các ngành, các địa phương cần phải xem xét, nghiên cứu cơ chế phù hợp, có những bước đột phá trong giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, thực hiện hài hòa giữa nghĩa vụ, trách nhiệm với quyền hạn, giữa cống hiến với hưởng thụ. Từ đó, công dân sẽ thấy rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình để xác định tốt quyết tâm, tư tưởng và yên tâm công tác khi về đơn vị đóng quân. Có như vậy, mùa tuyển quân năm 2022, “quân sẽ không thiếu một người”.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận tổng kết công tác tuyển quân năm 2021
BT- Chiều 29/3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tuyển quân năm 2021; thảo luận phương hướng công tác tuyển quân năm 2022. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (HĐNVQS) tỉnh; Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng - Phó Tham mưu trưởng - Bộ Tham mưu Quân khu 7; lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương trong toàn tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công tác tuyển quân năm 2022: Để “quân không thiếu một người”