Theo dõi trên

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương: Nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa cho Bình Thuận

30/08/2022, 19:47

BTO- Tại hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức sáng nay (30/8) với chủ đề: “Bình Thuận kết nối tiềm năng” có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia tìm hiểu cơ hội đầu tư vào vùng đất biển xanh, cát trắng, nắng vàng giàu tiềm năng này. Với tư cách doanh nghiệp đã và đang đầu tư các dự án lớn, hiệu quả ở Bình Thuận, ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương đã chia sẻ với các đại biểu tại diễn đàn quan trọng này.

Theo ông Phan Văn Quý, Cảng biển Quốc tế Vĩnh Tân (đơn vị thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương) đã đi vào hoạt động mấy năm nay, mở ra cánh cửa vận tải đường biển trong, ngoài nước cho tỉnh nhà. Cùng với đó, đường cao tốc Bắc - Nam được Trung ương đầu tư xây dựng sắp hoàn thành, Sân bay Phan Thiết đang xúc tiến triển khai, cho thấy Bình Thuận là vùng đất có nhiều tiềm năng về đầu tư với các doanh nghiệp. Để xây dựng, phát triển Bình Thuận trở thành một tỉnh có cơ cấu công nghiệp - du lịch, dịch vụ theo hướng hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ liên thông, ông Phan Văn Quý đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh về mối quan hệ tổng quan này, tại hội nghị trên.

Theo đó, về quy hoạch tổng thể của tỉnh, ông Phan Văn Quý cho rằng: “Bình Thuận có bờ biển dài hơn 190 km, là cửa ngõ giao thương của khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên. Chúng tôi rất ấn tượng về đồ án Quy hoạch dự kiến của tỉnh. Đồ án này đã tập trung theo vùng, thế mạnh của từng vùng, ví như khu vực phía Bắc của tỉnh đã có cảng biển nước sâu, tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ. Khu vực giữa tỉnh có bờ biển đẹp, tập trung phát triển du lịch, dịch vụ. Khu vực phía Nam của tỉnh với vùng trồng thanh long lớn nhất cả nước, tập trung phát triển công nghiệp chế biến…”.

img_5551.jpg
 Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương phát biểu tại hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022

  Song song đó, về phát triển Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương chia sẻ: “Để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, tăng hiệu quả đầu tư cho các dự án thứ cấp, cần nghiên cứu điều chỉnh, tối ưu hóa vị trí các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp để kết nối với các đầu mối giao thông quan trọng như đường bộ, đường sắt, các cảng biển như Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, Cảng Vận tải Phan Thiết... Đặc biệt, khu vực huyện Tuy Phong là vùng đất có thể phát triển các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp để kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất các thiết bị, cấu kiện phụ trợ cung cấp cho các dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 10 nhà đầu tư ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc … đã tìm đến Cảng Quốc tế Vĩnh Tân để khảo sát, tìm cơ hội đầu tư vào địa bàn hai huyện Tuy Phong, Bắc Bình. Nếu các dự án phụ trợ điện gió nói trên được triển khai sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho tỉnh nhà về các vấn đề tăng thu ngân sách và tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương”.

  Trong khuôn khổ liên quan, Chính phủ đã định hướng phát triển năng lượng tái tạo và kinh tế xanh. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Chính phủ rất chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, khuyến khích sản xuất, sử dụng các sản phẩm năng lượng mới như Hydrogen để giảm tối đa phát thải CO2 và đảm bảo môi trường theo cam kết của nước ta tại Hội nghị COP26. Bình Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng về năng lượng gió, năng lượng mặt trời. “Để thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2050 đạt mức phát thải bằng "0" thì việc khuyến khích đầu tư phát triển các dự án điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời kết hợp với nhà máy sản xuất hydrogen là việc cần thiết cho phát triển nền kinh tế xanh của Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung trong tương lai. Hiện nay, khu vực huyện Tuy Phong có Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân với gần 5.000 MW nhiệt điện than, nếu phát triển các dự án hydrogen cung cấp cho các nhà máy tại khu vực này để dần dần thay nguyên liệu than, sẽ giải quyết cơ bản vấn đề môi trường đến 2050, theo cam kết của Chính phủ tại COP26”, ông Phan Văn Quý chia sẻ thêm.

img_3724.jpg
 Nhà máy điện gió Thái Hòa vận hành thương mại trên vùng đất Hòa Thắng, Bắc Bình

  Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương chân thành phát biểu trong hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư: “Gần 15 năm qua, theo tiếng gọi đầu tư của tỉnh, chúng tôi đã về Bình Thuận. Hiện nay, chúng tôi đã và đang triển khai một số dự án về năng lượng tái tạo và hạ tầng trên địa bàn tỉnh mà tiêu biểu là Cảng Quốc tế Vĩnh Tân với công suất thiết kế 8 triệu tấn/năm, Nhà máy điện gió Thái Hòa công suất 90 MW đã đi vào hoạt động. Chúng tôi rất cảm động khi lãnh đạo các cấp đã nhiều lần đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên trên công trường; lãnh đạo tỉnh tham gia cùng doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc vào những thời điểm dự án gặp khó khăn. Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận, cùng chủ đề hội nghị “Bình Thuận kết nối tiềm năng”, chúng tôi cùng các đơn vị thành viên của mình cam kết tiếp tục đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo, các nhà máy sản xuất các thiết bị phụ trợ cung cấp cho các dự án điện gió, các dự án xử lý môi trường, đóng góp một phần nhỏ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà”.

THỤY KHANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thủ tướng Chính phủ dự Lễ khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ I
BTO- Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, chiều ngày 30/8 tại huyện Hàm Tân, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ (IPICO) phối hợp cùng địa phương đã long trọng tổ chức Lễ khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ I.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương: Nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa cho Bình Thuận