Kiến nghị nhiều vấn đề nóng
Bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả to lớn, toàn diện mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đạt được trên các lĩnh vực, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19, cử tri đã có nhiều kiến nghị, đề xuất những vấn đề chung được dư luận xã hội quan tâm. Đáng chú ý, một trong những vấn đề nổi lên hiện nay đó là công tác phòng, chống tham nhũng. Cử tri hoan nghênh kết quả đạt được trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước thời gian qua khi xử lý hàng loạt vụ án tham ô, tham nhũng nghiêm trọng. Cử tri bày tỏ mong muốn thời gian tới Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực để góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, cử tri kiến nghị cần phải có quy định về việc phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm gắn với từng nhiệm vụ cụ thể. Cử tri cho biết, hiện nay, tình trạng mua bán đất đai đang có nhiều diễn biến phức tạp mà các văn bản luật chưa có quy định cụ thể. Điều này dẫn tới một số đối tượng đã sử dụng nhiều chiêu trò nâng giá đất đai cao hơn với giá trị thực tế, khiến những người dân có nhu cầu thực sự rất khó để mua đất cất nhà. Do vậy, cử tri kiến nghị cần sớm sửa Luật Đất đai và các luật khác có liên quan đến quy hoạch nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Bên cạnh đó, cử tri Phan Thiết bày tỏ lo lắng giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng cao ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Do đó, cử tri kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân về vốn sản xuất, có giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp bình ổn giá xăng dầu, tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân yên tâm bám biển. Liên quan đến việc vay vốn để phát triển kinh tế, cử tri Phan Thiết cho biết, hiện nay, theo Thông tư 21 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về Quỹ Tín dụng nhân dân yêu cầu khi người dân có nhu cầu vay vốn phải xin gia nhập thành viên, mà khi xin gia nhập thành viên phải đợi đến khi đại hội thành viên thì không hợp lý. Do đó, cử tri đề nghị tháo gỡ khó khăn trên để người dân nhanh chóng được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Ngoài ra, cử tri bày tỏ băn khoăn xung quanh Nghị định 51 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã giúp tỉnh tháo gỡ “nút thắt” để phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?
Giải trình, làm rõ một số vấn đề
Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các cử tri, đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến để gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Giải trình, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo tinh thần “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!”.
Thông tin thêm với cử tri xung quanh Nghị định 51 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông cho biết: Bình Thuận có trữ lượng titan gần 600 triệu tấn, chiếm 90% trữ lượng titan của cả nước. Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và quy hoạch khai thác titan của Bình Thuận có tổng diện tích hơn 102.227 ha, chiếm tới 13% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố chủ yếu dọc ven biển với chiều dài trên 100 km. Đây lại là vùng tập trung nhiều hoạt động kinh tế như các hoạt động du lịch, dịch vụ, khu công nghiệp, thương mại, sân bay, đường giao thông. Tuy nhiên, do vướng vùng dự trữ, quy hoạch titan, dù có nhiều nhà đầu tư đến đăng ký trên vùng đất này nhưng không thể chấp thuận. Điều này đã ảnh hưởng môi trường đầu tư, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 51 vào đầu tháng 4/2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Bình Thuận. Nghị định giúp tháo gỡ “nút thắt” trong phát huy tiềm năng đất đai, tạo thuận lợi trong chính sách mời gọi đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian tới…
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 23/5, dự kiến bế mạc ngày 17/6/2022 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật; xem xét, cho ý kiến các vấn đề quan trọng khác như: Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022…