Theo dõi trên

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp

08/11/2023, 05:19

Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo. Tại Bình Thuận, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ phát triển, trong đó có các sản phẩm, mô hình kinh tế mới dựa trên các nền tảng công nghệ số. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành. Từ đó, góp phần tạo niềm tin, mang lại sự hài lòng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Đến thời điểm này, việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của tỉnh đảm bảo hiện đại, đồng bộ và an toàn. 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã được trang bị máy tính đáp ứng yêu cầu công việc; 100% sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện có mạng LAN, kết nối Internet băng rộng và kết nối mạng WAN bằng đường truyền số liệu chuyên dùng (cáp quang) tốc độ cao, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định; hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tiếp tục phục vụ có hiệu quả các cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng và các bộ, ngành Trung ương với tỉnh, giữa tỉnh với 10/10 huyện, thị xã, thành phố.

dttmpt.jpeg
Quang cảnh Trung tâm điều hành thông minh (IOC) TP. Phan Thiết.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tỉnh đã và đang thực hiện các công tác chuẩn bị để triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Bình Thuận. Cùng với đó, tỉnh đã phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công trong việc hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích của tỉnh. Triển khai sử dụng có hiệu quả các hệ thống điện tử phục vụ công tác cấp đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo đúng và trước thời gian quy định, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, 124/124 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thành lập 697/697 Tổ công nghệ số cộng đồng, với 2.447 thành viên. Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia lớp đào tạo “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng” trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức và xem đây là tài liệu chính thức trong hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng…

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về sự cần thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh của các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên các nền tảng công nghệ số, internet. Thực hiện các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó, hệ thống trung tâm dữ liệu của tỉnh kết nối đồng bộ và thống nhất với các trung tâm dữ liệu vùng và hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia. Đồng thời xây dựng, hiện đại hóa mạng viễn thông dùng riêng phục vụ hoạt động quốc phòng, an ninh, hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước...

T.HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ứng dụng chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt
Từ tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt nhằm từng bước cải cách thủ tục hành chính trong chi trả chính sách an sinh xã hội cho người dân, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp