Theo dõi trên

Ứng dụng chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

02/11/2023, 04:26

Từ tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt nhằm từng bước cải cách thủ tục hành chính trong chi trả chính sách an sinh xã hội cho người dân, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính.

Thí điểm 3 địa phương

Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, trong thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ tổng hợp, báo cáo kết quả thu thập, cập nhật, xác thực thông tin đối tượng, thông tin tài khoản của các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

an-sinh.jpeg
Ảnh minh hoạ. 

Nhằm xác định giải pháp, cách thức triển khai và đúc rút kinh nghiệm thực hiện việc chi trả chế độ, chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đạt hiệu quả cao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm việc với 3 địa phương chọn triển khai thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội tại huyện Hàm Tân, Tánh Linh và thị xã La Gi. Tính đến nay, các địa phương trên đã thực hiện việc rà soát, thu thập, cập nhật và xác thực thông tin tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt cho trên 42.500 đối tượng thụ hưởng, trong đó có gần 33.000 đối tượng bảo trợ xã hội và hơn 9.500 đối tượng người có công với cách mạng. Theo đó, các địa phương đã triển khai thí điểm chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trong tháng 9/2023 và 10/2023 cho 2.295 lượt đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng và 749 lượt đối tượng người có công cách mạng với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, khó khăn trong quá trình chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại các địa phương hiện nay là do công tác rà soát, thu thập, cập nhật, xác thực thông tin tài khoản của các đối tượng thụ hưởng chưa đầy đủ, nhiều đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội chưa có căn cước công dân hoặc mã định danh cá nhân. Bên cạnh đó, có những đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội mong muốn được nhận trợ cấp hàng tháng bằng tiền mặt, không muốn thay đổi hình thức chi trả sang không dùng tiền mặt nên chưa phối hợp cung cấp các thông tin để thu thập, cập nhật theo yêu cầu…

Triển khai toàn tỉnh từ tháng 11/2023

Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế. Đồng thời, triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong chi trả chính sách an sinh xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội. Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Đồng thời yêu cầu quy trình chi trả phải bảo đảm đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng và phù hợp với các nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Mặt khác, khuyến khích đối tượng nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng để đảm bảo mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt với chi phí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng hưởng lợi. Cùng với đó, vận động, khuyến khích người dân và các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội hiểu và đồng thuận với chủ trương chuyển đổi hình thức chi trả chính sách an sinh xã hội từ bằng tiền mặt sang không dùng tiền mặt. Đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc thu thập, cập nhật, xác thực thông tin đối tượng, thông tin tài khoản để phục vụ cho việc mở tài khoản, chi trả không dùng tiền mặt. Triển khai thực hiện kế hoạch chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn toàn tỉnh bắt đầu từ tháng 11/2023.

Đối tượng áp dụng chi trả không dùng tiền mặt gồm: Đối tượng bảo trợ xã hội: Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20 ngày 15/3/2021 của Chính phủ và Điều 4 Nghị quyết số 05 ngày 25/5/2022 của HĐND tỉnh. Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Nghị định số 20 và khoản 4 Điều 5 Nghị quyết số 05 ngày 25/5/2022 của HĐND tỉnh. Người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (sau đây gọi tắt là người có công cách mạng). Người nhận trợ cấp và kinh phí hỗ trợ mai táng khi người hưởng chính sách an sinh xã hội qua đời. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đơn vị có liên quan.

KIM ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công nhân, lao động quan tâm đến chế độ chính sách, an sinh xã hội
BTO-Chiều 8/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động (CNLĐ) trước kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá XV.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt