Đoàn xe đưa người dân từ TP. Hồ Chí Minh về Bình Thuận. Ảnh: Đ.Hòa |
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh đã khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp trong đó có cả biện pháp giảm lao động, tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Điều này làm số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng. Từ đó khiến nhiều người không tìm được việc làm mới đành phải di cư về quê. Người dân nhiều địa phương đã tìm mọi cách, từ đi bộ, đạp xe đến đi xe máy, rời TP. Hồ Chí Minh để tránh dịch. Tại Bình Thuận, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố lập phương án cụ thể để đón người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai trở về, thực hiện cách ly tập trung đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát danh sách đăng ký của người dân, xác định danh sách đưa về đảm bảo đủ các điều kiện và đối tượng theo quy định. Và tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục đón người dân từ TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác trở về, đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với người dân tỉnh nhà. Câu hỏi đặt ra ở đây là, người dân trở về địa phương thì việc làm của họ sắp tới ra sao. Nhiều người cho rằng, về quê không có việc làm họ vẫn sống được và có việc làm, bởi tỉnh ta là tỉnh nông nghiệp cần rất nhiều lao động. Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid–19, tuy ngành nông nghiệp của tỉnh có bị ảnh hưởng nhưng vẫn phát triển khá tốt. Bởi lẽ, Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 7.942,46 km2, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 356.746 ha, chiếm 44,91% diện tích đất tự nhiên, có bờ biển dài 192 km, ngư trường rộng lớn. Bình Thuận có điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, bao trùm cả 3 lĩnh vực đó là: Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi. Trong giai đoạn 2016 - 2020, GRDP nhóm ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh tăng bình quân 2,88%/năm. Đến năm 2020, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 29,49% trong tổng giá trị tăng thêm. Đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành chăn nuôi của tỉnh chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, ứng dụng khoa học công nghệ, kiểm soát môi trường và dịch bệnh. Công tác trồng, quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện. Lĩnh vực thủy sản phát triển ổn định, gắn kết giữa khai thác, nuôi trồng với chế biến, xuất khẩu thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển. Mục tiêu lâu dài của tỉnh là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Bình Thuận. Nâng cao thu nhập cho người dân. Tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, dịch vụ theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có hệ sinh thái phát triển bền vững.
Tuy nhiên, số lao động để phục vụ cho phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà hiện nay vẫn còn thiếu, nếu như nguồn nhân lực của tỉnh dồi dào chắc chắn rằng nền nông nghiệp của tỉnh nhà sẽ phát triển hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao trong thời gian tới.
Thanh Quang