Theo dõi trên

Cuối năm cẩn thận “ma trận” lừa đảo

05/12/2022, 05:51 - Lượt đọc: 4,788

Cuối năm là thời điểm các đối tượng tội phạm nghĩ ra đủ chiêu trò để lừa đảo, do đó người dân phải hết sức tỉnh táo, không làm theo bất cứ yêu cầu nào của người lạ qua điện thoại, tin nhắn và cần cảnh giác khi tham gia các chương trình trúng thưởng, quà tặng hấp dẫn…

Đủ chiêu lừa

Gần đây, hầu hết các ngân hàng đều phát đi thông báo cũng như được nhân viên dặn dò khi khách đến giao dịch, cần thận trọng khi nhận được tin nhắn giả mạo từ các ngân hàng với nhiều nội dung như: bạn đã trúng thưởng khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng, hoặc bạn đã đăng ký thành công dịch vụ tài chính, tài khoản của bạn sẽ bị trừ 3 triệu đồng trong 2 giờ tới. Nếu không phải bạn mở dịch vụ vui lòng nhấn vào đường link… Chỉ cần thực hiện theo, tiền trong tài khoản sẽ bốc hơi ngay lập tức. Giả mạo trúng thưởng là vấn đề khiến rất nhiều người lo ngại vì xen lẫn vào thông tin của chương trình ngân hàng đang triển khai cuối năm. Nếu không cảnh giác mà nhấp vào những đường link để đăng ký tham dự chương trình thì khả năng bị mất thông tin tài khoản ngân hàng rất cao. Do đó, các ngân hàng liên tục khuyến cáo, nếu khách hàng trúng thưởng, nhân viên ngân hàng sẽ gọi trực tiếp, tuyệt đối không bấm vào bất cứ link nào trong tin nhắn; không tiết lộ số tài khoản, mật khẩu, OTP… cho bất kỳ ai.

images5449906_tin_nhan_mao_danh.jpg
Khách hàng thường xuyên nhận được những tin nhắn lừa đảo như thế này.

Mới đây, cũng vì mất cảnh giác mà chị H.T.K.H (công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi) bị chiếm đoạt tài khoản facebook khi nhấn vào link để bình chọn cuộc thi nào đó. Sau đó, các đối tượng này đã dùng tài khoản facebook của chị H. để nhắn tin cho bạn bè, người thân chị H để vay tiền. Bạn bè, người thân của chị H đã cảnh giác không chuyển tiền ngay, mà gọi video qua messenger để kiểm tra. Cuộc gọi được kết nối, người thân, bạn bè thấy hình ảnh của chị H mờ mờ xuất hiện kèm theo giọng nói không rõ ràng. Sau đó, các đối tượng liền kết thúc cuộc gọi với lý do mạng yếu không gọi video được và yêu cầu người thân, bạn bè của chị H chuyển tiền. Do thấy hình ảnh của chị H xuất hiện trong cuộc gọi video, nên nhiều người đã chuyển 11 triệu đồng vào số tài khoản do đối tượng cung cấp. Chiêu thức này không mới nhưng tinh vi hơn, các đối tượng đã sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh tạo video giả mạo, lồng ghép giọng nói của chủ tài khoản. Khi nạn nhân gọi điện kiểm tra sẽ nhìn thấy người thân cử động, khẩu hình như thật, các đối tượng nhanh chóng kết thúc cuộc gọi và lấy lý do đang ở khu vực mạng Internet yếu, đang có việc bận… và yêu cầu người thân chuyển khoản theo yêu cầu của các đối tượng.

Hội thảo “mua hàng - hoàn tiền” xuất hiện trở lại

Bên cạnh những chiêu lừa tinh vi ấy, thì chiêu trò lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trá hình dưới những cuộc hội thảo, giới thiệu sản phẩm kèm tặng quà khuyến mại để dụ dỗ người dân mua hàng gần đây xuất hiện trở lại, đặc biệt là ở những vùng quê. Vào giữa tháng 11/2022, tại huyện Bắc Bình, hàng trăm người dân chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi ở các xã như Hồng Thái, Hòa Thắng, Phan Hòa trở thành nạn nhân khi bỏ ra hàng triệu đồng mua hàng kém chất lượng, gây bức xúc trong dư luận. Sau một thời gian “vắng bóng”, lợi dụng cuối năm, những hội thảo bán hàng kém chất lượng lại tái diễn ở các vùng quê với chiêu lừa chỉ cần đăng ký tham gia chương trình, đến cuối buổi sẽ được hoàn lại tiền và tặng luôn đồ đã mua. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, nhóm đối tượng này “dụ” người dân mua từ những sản phẩm ban đầu có trị thấp vài trăm ngàn đồng.

z3890091084678_fb28fa164c58252994326099cc9c6b08.jpg
Những hội thảo bán hàng kém chất lượng lại tái diễn ở các vùng quê
z3890091038055_9974ba65aec9926570d7669c331b2a87.jpg
Người dân đã tốn tiền triệu để tranh nhau mua những sản phẩm "3 không".

Thấy được hoàn tiền, nhiều người dân trong thôn kéo nhau đến mua nào nồi áp suất, bếp điện, nồi lẩu, chảo chống dính… với giá trên trời, kèm nhiều quà tặng như thuốc xoa bóp, dầu ăn, bột giặt. Thậm chí có người còn đi vay tiền để được mua hàng với niềm tin “sẽ được hoàn tiền”. Thế nhưng, khi nhiều người đang mải mê kiểm hàng, đợi hoàn lại tiền thì các đối tượng tổ chức chương trình vọt lên xe ô tô chạy mất trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Thực tế cho thấy, những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo như trên đều không mới, nhưng có phần tinh vi hơn, nên nhiều người nhẹ dạ vẫn có khả năng “sập bẫy”. Để ngăn chặn tình trạng này, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác nhất là vào dịp cuối năm. Chính quyền địa phương, trưởng thôn, khu phố cần tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động của công ty, doanh nghiệp về địa phương để tổ chức hội thảo, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm không đúng sự thật và báo ngay cho ngành chức năng nếu phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cảnh báo 16 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng
Bên cạnh những lợi ích rõ ràng thì mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ các đối tượng lợi dụng để phạm tội và vi phạm pháp luật, nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuối năm cẩn thận “ma trận” lừa đảo