Theo đó, Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó chú trọng đổi mới về nội dung và hình thức để việc tuyên truyền đến người dân, nhóm đối tượng có nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản đạt hiệu quả cao.
Công an các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; đẩy nhanh tiến độ điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông qua công tác điều tra theo tố tụng để tổng hợp các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội, tìm ra quy luật để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp truy tố, tổ chức xét xử lưu động một số vụ án điểm.
Tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật về đầu tư, huy động vốn, mua bán, chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh trên mạng Internet; các quy định về vay, cho vay qua App, cho vay ngoài hệ thống các tổ chức tín dụng, các hoạt động đầu tư “tiền ảo”, tiền điện tử, đánh giá các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo... để phát hiện sơ hở, thiếu sót, bất cập, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm, tích hợp, kết nối cơ sở dữ liệu của các đơn vị theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ; kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu thông tin thuê bao di động để xác thực dữ liệu người dùng, giải quyết tình trạng sim “rác” góp phần phòng ngừa, xử lý lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng...