Những ngày đầu tháng 3 này, ở vùng Hàm Tân, La Gi dù tiết trời còn se lạnh vào sớm mai nhưng không gian đã bước vào mùa khô. Không gay gắt như năm trước khi mới đầu tháng 2, các sông suối ở đây đã dọa khô cạn, năm nay nhờ mưa nhiều và trễ nên đến giờ chưa có báo động thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Từ ngày 20/2/2017, nước hồ Sông Dinh 3 bắt đầu được chuyển về đập Dá Dựng và theo kế hoạch sẽ kéo dài đến 30/6/2017 nên thị xã La Gi không phải lo ngại chuyện thiếu nước. Và càng không phải lo, khi đến ngày 4/3/2017, hồ Núi Đất, công trình thủy lợi lớn của La Gi đang có 6 triệu khối nước, cao hơn năm trước cả 2 triệu khối. Trong khi đó, tại Hàm Tân, nhất là 3 xã ven biển Tân Thắng, Thắng Hải và Sơn Mỹ, giờ lại đang hồi hộp, khi nước tại đập dâng Cô Kiều đang ít dần đi từng ngày và dự báo chỉ cầm cự trong vòng 1 tháng nữa. Nhớ thời điểm này năm ngoái, phía trên kia hồ Sông Dinh 3 có khoảng 18 triệu khối nước nhưng ở phía dưới này, nhân dân 3 xã ven biển lại thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Phải mua nước sinh hoạt với giá cao nhưng có lúc không có nước để mua, vì ngay những xã giáp bên thuộc tỉnh bạn cũng ngại đến lúc không có nước để dùng. Vì vậy, tỉnh, huyện phải nhóm họp triển khai các giải pháp để 3 xã này có nước sinh hoạt trước mắt cũng như khắc phục tình trạng thiếu nước về mặt lâu dài. Và công trình chuyển nước hồ Sông Dinh 3 về dập dâng Cô Kiều đã được khởi động các thủ tục để thi công. Chưa có công trình nào mà việc đền bù giải tỏa chỉ mất 28 ngày như công trình này. Phải ghi nhận đó là kết quả từ sự nỗ lực, xông xáo của lãnh đạo huyện Hàm Tân nhưng qua đó cho thấy sự khát khao có nước của người dân, một công trình từ lòng dân.
Sau bao nhiêu trở ngại, đến giờ, công trình kênh chuyển nước hồ Sông Dinh 3 về đập dâng Cô Kiều kéo dài 3,9 km đã thi công gần hoàn tất. Theo kế hoạch vào cuối tháng 3 này, công trình sẽ thông nước. Nước từ hồ Sông Dinh 3 sẽ được chuyển theo kênh chính Tây của công trình về đập dâng Cô Kiều. Tuy nhiên, trước đó cầu máng số 3 nằm trên kênh chính Tây của công trình thủy lợi hồ Sông Dinh 3 đã bị sập và việc khắc phục có những trở ngại kéo dài. Vì thế, việc thông nước này sẽ không thể, nếu như đơn vị thi công không khắc phục kịp. Do đó, cuối tháng 2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn yêu cầu Trung tâm Quản lý dự án và tư vấn xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đốc thúc đơn vị thi công là Công ty cổ phần Xây lắp Cửu Long khẩn trương khắc phục xong cầu máng số 3 trước ngày 10/3/2017. Từ đây, nước mới chảy về đập dâng Cô Kiều, rồi nước sẽ được bơm lên Nhà máy nước Tân Thắng để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nước sẽ về các vùng đồng của 3 xã phục vụ cho sản xuất trong mùa khô 2017. Thời điểm này, dung tích hữu ích tại hồ Sông Dinh 3 được 25 triệu khối, nhiều hơn năm ngoái 7 triệu khối. Vì thế, việc chuyển nước này nếu thuận lợi thì chắc chắn năm nay Hàm Tân không có hạn, đánh dấu bước ngoặt cho một vùng đất thiếu nước lâu nay.
Bích Nghị