BT- Đa Mi là vùng đất mới của huyện Hàm Thuận Bắc, với phong cảnh hữu tình, màu xanh ngút ngát của núi rừng, hồ suối và những vườn cây trái sum suê… đã đưa đến những cảm xúc cho những ai đặt chân tới nơi đây.

                
Một góc Đa Mi.

Nhớ lần đầu lên với Đa Mi, tôi ấn tượng với màu xanh của vùng đất này. Xanh, là xanh núi, xanh trời, xanh mặt hồ mênh mông và những vườn cây trái sum suê bên sườn đồi. Nó như phả vào hồn người cái nét thanh khiết buổi sớm vươn vai đón ngọn gió tươi mới nhè nhẹ lướt qua, mơn man, say đắm. Cả đến khi về dưới xuôi, thì cái miền xanh ấy thoảng vào giấc mơ, để rồi nhớ lại vẫn thấy mướt mát trong cả dòng suy nghĩ.

Từ đó đến giờ, cũng đã 4, 5 lần lên với vùng đất này, khi chỉ là ngẫu hứng rong chơi, lúc thì theo đoàn lên trao quà cho trẻ nhỏ đầu năm học mới, hoặc là về cơ sở tác nghiệp… dẫu kiểu gì thì cũng vẫn thích lượn một vòng trên những cung đường uốn lượn, trườn lên cao hay vun vút xuống dốc, tất cả đều cho một cảm giác say trong men rừng, hương núi, lâng lâng sương khói mặt hồ.

Đợt nọ, tôi đi cùng một anh họa sĩ lên đây. Anh nổi tiếng với những bức tranh phong cảnh biển, về những con thuyền và khá thành công với đề tài này. Thoạt nghe rủ lên núi, anh lừng khừng, nhưng khi nghe tôi kể về những chiếc nhà bè trên mặt hồ mênh mông, ánh ban mai sóng sánh cả mây trời… lại đổi ý, xăng xái đi ngay. Vậy là cả buổi chiều hôm trước và sáng hôm sau, anh hết chụp hình lại lôi giấy ra phác thảo cảnh mây nước, núi rừng.

Anh Lễ - một cư dân lòng hồ, chủ ngôi nhà bè mà chúng tôi ở nhờ ngạc nhiên vì thấy mấy người khách cứ tí tách bấm máy, rồi hí hoáy vẽ những cảnh mà ngày nào mình cũng thấy, có gì đẹp. Sau lần đó, anh họa sĩ cho ra hai bức tranh, một về sắc tím bằng lăng ở đèo Đông Tiến, một là cảnh khu nhà bè buổi hoàng hôn. Đúng là qua con mắt và đôi tay họa sĩ, vẫn là những điều thường thấy mà hóa ra lạ hơn, rặng núi mờ ảo, mặt hồ bảng lảng khói sương và ánh tà huy phả xuống khu nhà một màu vàng sẫm, có bóng người trên con thuyền nhỏ xíu thu lưới về. Sự yên bình, thinh lặng như tranh thủy mặc thuở xa xăm…

Một lần khác, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp lên viết bài về du lịch khám phá. Sau khi đi thuyền trên hồ ra mấy hòn đảo nhỏ, chúng tôi lên thác Chín Tầng. Hồi đó con đường vào thác nhỏ xíu, mấp mô đá tảng. Đó là con đường người dân đi vào rẫy làm cà phê. Theo sau chiếc xe máy “dã chiến” chuyên chở hàng do bác tài địa phương dẫn đường, tay lái thuộc hàng “lụa” của anh bạn cũng gồng hết sức theo những cú chồm lên chúi xuống của chiếc Dream Tàu.

Sau quãng đường hơn 5 cây số “trải nghiệm” cảm giác mạnh của đường rừng, chúng tôi đã đến được khu thác này. Không có độ cao như những thác thường thấy, thác Chín Tầng thoai thoải đổ nước xuống lúc réo rắt, khi ào ạt như hát bản tình ca của núi rừng bổng trầm, gợi nên những cảm xúc về thiên nhiên hoang sơ, cho tâm hồn con người thư thái dịu nhẹ, bỏ mọi ưu phiền. Và khi ra về, có cô em gái dừng cuốc trong vườn mỉm cười vẫy tay tiễn chào, đầy nét hồn nhiên, thơ mộng, bỗng nhiên bật lên câu thơ dang dở: …Ở lưng chừng thác Chín Tầng/Ta nghe tiếng gọi thì thầm… Đa Mi…

Lần mới nhất tôi lên đây đúng vào giữa mùa mưa để viết về một số mô hình kinh tế nông nghiệp được bà con thực hiện, nhất là trồng cây ăn trái. Theo sự dẫn đường của anh cán bộ Hội Nông dân xã, vòng vèo trên con đường nhựa, qua những khúc cua men theo hồ, chúng tôi thăm nhà của một nông dân trồng hàng chục ha cây ăn trái. Nhìn khu đồi cây xanh mát, sum suê trái ngọt, mùi thơm ngào ngạt khắp vườn, cùng với câu chuyện về giá cả khá ổn định, thu nhập cao thì cả chủ và khách đều mừng.

Tuy nhiên, mường tượng lại quãng thời gian gần 10 năm trước, khi nơi đây chỉ là khu đồi trống, gia đình người nông dân này phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, tiền của và đầy những khó khăn gian khổ khác mới có thể gầy dựng được, thì sự thán phục tăng lên bội phần. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, chủ nhà kể, với khoản thu nhập từ vườn cây ăn trái này, mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 500 - 700 triệu đồng, số tiền ấy giúp anh tái đầu tư cho vườn cây, và cũng là để lo cho hai con chuẩn bị đi du học ở nước ngoài. Chúng tôi khâm phục về cách làm ăn của anh, và cũng vui với những suy nghĩ về phát triển sản xuất theo hướng xanh - sạch của người nông dân trung niên này, làm sao để người tiêu dùng cầm miếng trái cây lên, trước khi ăn không còn phải đắn đo xem lợi hại cho sức khỏe như thế nào.

Với Đa Mi, có lẽ đó là cái tên gợi cho người ta những nét xanh của núi rừng, của mặt hồ và của cả lòng người, thôi thúc những bước chân mọi người đến và khám phá. Đó như là một phiên bản của Đà Lạt ở Bình Thuận, khi mỗi sớm mai sương lãng đãng giăng trên sườn núi, mặt hồ; khi chiều về khoác chiếc áo lạnh đi giữa vườn cây nghe đất đỏ bazan thở, ban cho con người nguồn sống dồi dào. Một vùng không khí trong lành, thanh khiết như mời gọi du khách gần xa.

THÀNH CHƯƠNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa Mi xanh