Bấc làm bụi bay đầy. Chạy xe mà không đeo kính thì cầm chắc bụi bay vào mắt, thốn trời xanh. Có lần vội vàng quên kính, ra đường phải vừa nheo mắt vừa chạy xe sợ bụi bay vào mắt, mà vậy thì thành ra quá nguy hiểm, nên từ đó luôn luôn dặn mình nhớ mang kính theo bên.
Chiều chiều trên đường về, bấc dạt dào thổi, chặc lưỡi nghĩ thầm mới đó nhanh ha, gần tết rồi. Chẳng hiểu sao mùa này gió lại mang hơi lạnh, cứ như thể gió cõng nước trên lưng vậy. Đang đứng ngoài hàng ba mà gió lướt qua da một cái, rất nhẹ thôi, đã đẩy lũ da gà xù lên tự vệ. Má biểu gió tết rồi đó bây ơi. Lại hết năm rồi. Tôi quẩn quanh nghĩ ngợi, phân tích trong cái câu nói nhẹ hều đi kèm tiếng thở dài khe khẽ đó của má bao nhiêu phần trăm buồn, mấy mươi phần trăm vui, và phần trăm nào cho nỗi lo lắng. Người ta biểu người già ham tết mà sao tôi thấy má cứ len lén giấu nỗi buồn mỗi khi tết về. Má vẫn cười đó thôi mà nét cười sao vướng niềm lo. Má vẫn mong con cháu về sum họp đó thôi mà sao trong nỗi mong chờ có chen chút sợ hãi. Một chiếc lá vàng trên cây dù có kiên cường cỡ nào cũng tránh sao khỏi lo cho ngày rụng xuống gốc của mình?
Tôi biết cái niềm tâm sự thầm kín của má nhưng không dám hỏi, sợ khơi thêm nỗi sầu trong lòng má. Tôi giả bộ không biết gì, dùng chiêu dụ má đi mua thứ này thứ kia, mua thứ này thứ nọ cho quên đi nỗi buồn len lén trong lòng, vậy mà má cứ gạt đi hết: Già rồi ăn chi cho nhiều, già rồi có đi đâu đâu mà quần với áo. Má tự cô lập mình trong nỗi buồn của tuổi già, một cách lén lút thôi, cố không cho con cháu biết. Má sợ lũ con buồn lo cho má.
Tôi tự hỏi ủa bấc ơi có biết nỗi lòng má hay không sao cứ vô tư thổi hoài hà. Bấc không trả lời tôi, mỗi chiều vẫn quần đám chuối sau nhà tả tơi. Hễ chuối cố gắng ra chiếc lá non nào là y như rằng bấc hung hăng xấn tới thổi cho chừng nào rách tơi tả mới thôi. Má chép miệng than thổi rách bà nó hết rồi thì tết lấy gì gói bánh đây bây, chẳng lẽ lại kiếm gì quây lại. Tôi cười cái tánh lo xa của má: Còn lâu mới tết má lo chi cho sớm, mà rách hết thì đi chợ mua, mấy trăm ngàn lá thì tha hồ gói bánh, quan trọng gói lên có ai ăn không kìa. Má lườm đứa con một cái sắc lẹm: Sao lại hổng ai ăn? Tết nhứt thì phải có dăm cái bánh cúng ông bà, rồi thì chia anh em họ hàng người hai ba cái ăn tết cho vui. Tụi bây riết rồi chỉ nghĩ tới bản thân thôi hà, hết biết họ hàng dòng họ là ai luôn. Rồi má lại dông dài tính đến chuyện lỡ mai má hổng còn nữa thì lớp con cháu sau này chắc hổng biết ai ra ai để mà nhận mặt bà con. Tôi chỉ biết thở dài, hai thế hệ là hai cách nhìn cách nghĩ khác nhau, trách má cũng không được mà ép mình nghe theo cũng khó.
Chưa thấy cái mùa nào trong năm khó ở như cái mùa bấc nổi. Sương về dày đặc. Bấc nổi càng ngày càng dữ dội. Thời tiết thì dở dở ương ương, ngày nóng hừng hực đêm lại lạnh tê tái. Ai cũng sụt sịt sổ mũi, ho, nhức đầu, đau họng. Má lại thêm chứng mất ngủ vì đau khớp. Hơn hai giờ sáng má đã lục đục dậy bắc nước, nấu cơm, quét nhà rồi. Dẫu giờ kinh tế khá hơn xưa, má vẫn giữ nếp nấu cơm ăn sáng. Biểu thôi má ơi đồ ăn sáng thiếu gì mà phải nấu cơm cho mệt, má lại lườm bây giờ quen sung sướng tiêu xài phí phạm quá, phải biết tằn tiện dành dụm lỡ có việc gì thì có mà dùng, không lại phải chạy sấp chạy ngửa đi mượn à. Má nói vậy thì chỉ biết chào thua thôi chứ giải thích gì nữa. Cái tánh người già y hệt bấc vậy, qua bao nhiêu mùa vẫn giữ thói ngạo ngược, ào ào thổi tới, rầm rộ trên mái tôn, ra vườn chuối rồi mới mất dạng. Nhà hướng tây, mùa bấc thì hứng trọn những cơn quần đảo. Bởi má hay đóng cửa nhà lại than mở ra bụi bay vô đầy nhà hết, dơ lắm. Vậy là bấc giận dậm rầm rầm trên mái tôn như thể cố gắng thổi tốc mái. Sao mà tốc mái được, dân miệt này biết cái tánh khí của bấc nên dằn mái tôn hai lớp kỹ lắm.
Sáng thấy má lôi xoong nồi ra chà cát. Má giải thích rảnh lúc nào thì làm lúc đó chớ để gần tết cập rập làm không kịp. Nhà cửa tết nhứt mà dơ dáy là làm ăn xui cả năm đó bây. Tôi ngơ ngác hỏi ủa má còn ba tháng nữa lận mà, má ham chi tết sớm dữ vậy. Má lại lườm: Mồ tổ cha bây, ba tháng như ba bước chân, tới giờ đó, hổng thấy bấc nổi mạnh rồi sao.
Ờ, chiều nay bấc mạnh lên rồi. Lại một mùa tết nữa…