Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của nhà trường, PGS.TS. Võ Khắc Thường – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường ĐHPT được thành lập vào năm 2009, với diện tích ban đầu tự giải toả chỉ 4.9 ha trong tổng diện tích quy hoạch gần 12 ha, đến nay trường đã giải tỏa gần 10 ha, xây dựng 4 khu vực để làm việc, học tập với tổng diện tích sàn là 30.000m2. Từ những ngày mới thành lập, trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 5 ngành bậc đại học, cao đẳng hệ chính quy. Đến nay, nhà trường đã và đang đào tạo 16 mã ngành với hơn 20 ngành và chuyên ngành đào tạo, trình độ đại học chính quy, hệ vừa làm vừa học, văn bằng 2, liên thông đại học, bao gồm hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt vào năm 2022, Bộ Y tế đã cho phép trường đào tạo lĩnh vực sức khoẻ - ngành đầu tiên đào tạo là ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Năm 2015, trường bắt đầu đào tạo trình độ thạc sĩ, đến nay trường đã mở được 3 mã ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh và luật kinh tế. Hàng năm, trường tuyển sinh nhập học khoảng 800 sinh viên và 80 học viên cao học, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm hơn 90%. Tổng số cán bộ, giảng viên và nhân viên là 183 người, gồm: 14 phó giáo sư, 33 tiến sĩ, 89 thạc sĩ, 32 kỹ sư và cử nhân, 15 trình độ khác…
Hiệu trưởng nhà trường kiến nghị, đề xuất tỉnh cần tìm phương án giải tỏa đền bù nhanh nhất đối với đất của 9 hộ dân còn lại trong phạm vi dự án để trường hoàn thiện các thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng công trình theo quy hoạch đã được phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch mới.
Cho phép trường tham gia vào hoạt động bồi dưỡng đội ngũ nhân lực trên mọi lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận theo kế hoạch của từng sở ban ngành đã được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí bồi dưỡng hàng năm. Đồng thời, UBND tỉnh xem xét lại việc cho phép các cơ sở giáo dục khác liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt liên kết đồng ngành với ngành trường đang đào tạo…
Tại buổi làm việc, đại diện HĐND, UBND, sở, ban, ngành tỉnh và Trường ĐH Phan Thiết đã chia sẻ, thảo luận làm rõ những kết quả cũng như tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, đề xuất, kiến nghị của nhà trường.
Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn An nhấn mạnh, sự ra đời và phát triển của Trường ĐHPT trong gần 15 năm qua có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà. Bí thư Tỉnh uỷ cho biết, tỉnh ủng hộ định hướng cũng như chiến lược phát triển của nhà trường trong thời gian tới. Trong đó, có việc phát triển các ngành nghề đào tạo mới, nâng cao chất lượng, xây dựng phát triển trường hoàn thiện cơ sở vật chất; đào tạo hài hoà giữa gắn lý thuyết với thực hành, đặc biệt nâng cao chất lượng thực hành đảm bảo cho sinh viên ra trường có năng lực, góp phần tăng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường.
Bí thư Tỉnh uỷ thông tin, tỉnh Bình Thuận có tiềm năng thế mạnh và tỉnh xác định 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Trong công nghiệp tập trung vào 2 nguồn lực gồm công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến chế tạo. Về du lịch Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển về du lịch biển, sinh thái, du lịch vùng núi... Tỉnh cũng đón đầu tuyến cao tốc và sân bay Phan Thiết để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực để đầu tư những dự án có quy mô lớn, mới, phong phú, hấp dẫn...
Với những ưu thế đó, Bí thư Tỉnh ủy kỳ vọng Trường ĐHPT phấn đấu trở thành ngôi trường đào tạo về ngành du lịch thuộc hàng đầu ở Việt Nam. Về lĩnh vực nông nghiệp, Bình Thuận có dư địa để phát triển nông - lâm - thủy sản rất lớn. Theo đó, Trường ĐHPT cần nghiên cứu lựa chọn, mở các ngành nghề gắn với 3 trụ cột kinh tế của tỉnh vừa đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương, đồng thời kết hợp phát triển tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị nhà trường tham gia vào nghiên cứu khoa học về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao tổ chức Đảng, đoàn thể trong nhà trường...Riêng những kiến nghị, đề xuất của trường, Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban ngành liên quan nghiên cứu có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho nhà trường.