Theo dõi trên

Đảm bảo chất lượng nông sản để xuất khẩu

13/04/2023, 05:28

Như chúng ta đã biết, Bình Thuận là một trong những địa phương có diện tích canh tác nông nghiệp khá lớn, nhất là thanh long. Hiện nay, thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu sang khoảng trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tuy nhiên, đây lại là thị trường không ổn định và ảnh hưởng rất nhiều đến giá thành của sản phẩm.

Để đảm bảo được đầu ra ổn định cho hàng nông sản nói chung, trái thanh long nói riêng ngoài phải mở rộng được thị trường xuất khẩu thì chất lượng nông sản cũng phải đặt lên hàng đầu. Để có được sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, người nông dân cũng gặp không ít khó khăn khi phải thực hiện các tiêu chí, phải tuân thủ nghiêm ngặt trong suốt quá trình gieo trồng, từ khâu làm đất, xuống giống đến bón phân, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và bảo quản… Theo đó, trong những năm qua tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tính đến nay toàn tỉnh có khoảng 11.006 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 517 ha được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, 93 ha thanh long được cấp chứng nhận hữu cơ, 15.550 ha ứng dụng công nghệ cao. Có 10,5 ha rau được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương, 10 ha được cấp chứng nhận GobalGAP, 40 ha sầu riêng được cấp chứng nhận VietGAP... Bên cạnh đó còn hình thành và phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc tập trung vào cây thanh long. Vùng trồng lúa chất lượng cao cũng được tỉnh quan tâm với diện tích là 24.413 ha, nhiều địa phương còn thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Một số địa phương còn tận dụng điều kiện để phát triển hợp lý các cây trồng khác nhằm phục vụ chế biến và tiêu dùng trong nước.

tl.jpg.jpg
Vận chuyển thanh long xuất khẩu. Ảnh: Đình Hòa

Để sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn và nâng cao giá trị gia tăng, UBND tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng lợi thế của tỉnh. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, mục tiêu của tỉnh là sẽ triển khai đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 17, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, các đề án, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, các quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030 nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế. Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh cho biết sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và truyền thông quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Đảm bảo thẩm định chứng nhận đầy đủ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Đồng thời vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm ký cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn và kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết theo quy định. Chủ động giám sát, cảnh báo, thanh kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm. Chủ động kịp thời xử lý sự cố về an toàn thực phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó nâng cao năng lực cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cấp tỉnh, cấp huyện về chuyên môn nghiệp vụ…

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cơ hội đẩy mạnh kết nối sản phẩm chủ lực, đặc trưng của Bình Thuận
Hội nghị kết nối giao thương trong khuôn khổ Chương trình tổng kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ dự kiến được tổ chức tại Khánh Hòa vào giữa tháng 4/2023.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo chất lượng nông sản để xuất khẩu