Theo dõi trên

Đảm bảo tinh gọn hệ thống giáo dục nghề nghiệp

17/04/2018, 08:39

BT- Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ quan điểm của tỉnh thời gian tới là tập trung tổ chức và sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đảm bảo tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn.

                
   Học nghề sửa chữa máy nông nghiệp ở Hàm    Thuận Bắc.

Gần 98% lao động có việc làm

Ông Nguyễn Thanh Hòa – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 26 cơ sở GDNN, trong đó, có 17 cơ sở GDNN công lập và 9 cơ sở GDNN ngoài công lập. Thời gian qua, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ được tỉnh triển khai đầy đủ, nghiêm  túc. Nhiều cơ sở GDNN đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ để tuyển sinh. Tích cực phối hợp với các huyện, thị trong việc tuyển sinh các lớp đào tạo nghề cho LĐNT, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và phổ biến các chế độ chính sách cho người học.

Nhờ đó, năm 2017 các cơ sở GDNN tuyển mới đào tạo cho 11.314 học viên, đạt 113,14% chỉ tiêu giao. Trong đó, đào tạo nghề cho LĐNT là 7.103 người, đạt tỷ lệ 101,47% kế hoạch năm. Một số huyện thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm  Tân, Tánh Linh, Phú Quý. Riêng trong quý I/2018, tuyển mới đào tạo nghề cho 938 người, chiếm tỷ lệ 8,53% so với kế hoạch năm và bằng 300,6% so với cùng kỳ năm 2017. Thời điểm này, đã có 3.613 học xong, trong đó số người có việc làm sau khi học nghề là 3.537 người, đạt tỷ lệ 97,90%. Trong đó có 1.221 học viên được doanh nghiệp tuyển dụng, 50 học viên được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và 2.249 học viên tiếp tục làm nghề đã học…  

Quan tâm đào tạo nghề cho nông dân

Năm 2018, Bình Thuận phấn đấu tổ chức đào tạo nghề cho 11.000 người, trong đó đào tạo cho 6.000  LĐNT (lĩnh vực nông nghiệp là 2.728 người; lĩnh vực phi nông nghiệp là 3.272 người). Trong đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức lên 64%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 24,36%. Tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt từ 80% trở lên. Để đạt mục tiêu trên, thời gian tới, với việc tổ chức lại hệ thống GDNN, đảm bảo tinh gọn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ chỉ đạo ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, nhất là đối tượng LĐNT thông qua các tổ chức hội đoàn thể, để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của việc học nghề. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chỉ đạo các cơ sở GDNN tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền học nghề ngay từ đầu năm. Song song, tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, chủ động phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Tập trung vào một số lĩnh vực như: du lịch, dịch vụ, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, xuất khẩu lao động...Trong đó, chú ý đào tạo  nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho công nhân lao động chưa qua đào tạo trong các doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc với Bình Thuận mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đồng tình với tỉnh về định hướng tổ chức lại hệ thống GDNN, đảm bảo tinh gọn. “Nếu các trường cao đẳng có cùng ngành nghề đào tạo cơ bản hoặc địa bàn gần nhau có thể sáp nhập hoặc tổ chức lại. Trong trường cao đẳng có đào tạo cả hệ trung cấp và sơ cấp. Riêng các cơ sở giáo dục (CSGD) nghề nghiệp của các huyện thì tổ chức lại 2 trong 1, hoặc 3 trong 1; CSGD tổng hợp, CSGD thường xuyên và cơ sở dạy nghề sáp nhập lại làm 1. Trên tinh thần 1 tổ chức bộ máy làm nhiều chức năng, khuyến khích các tổ chức, các trường tư thục, dần dần tiến tới tự chủ”, Bộ trưởng đề nghị. Bộ trưởng cũng lưu ý Tổng cục GDNN cần hỗ trợ Bình Thuận tổ chức lại các trường và đưa một số nghề trọng điểm vào hỗ trợ cho tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh: “Thời gian tới, Bình Thuận cần quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho nông dân, bởi chỉ khi có nghề, người nông dân mới thực sự thoát nghèo. Trước khi đào tạo nghề cần dự báo trước công việc và thu nhập, trong đó chú ý quan tâm đến khu vực đồng bào dân tộc thiểu số…”

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo tinh gọn hệ thống giáo dục nghề nghiệp