Theo dõi trên

Đảm bảo tính minh bạch trong áp dụng thuế

22/11/2024, 21:25

BTO-Tham gia thảo luận dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vào sáng nay 22/11, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận - Bố Thị Xuân Linh bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh khẳng định, việc xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi nhằm mục tiêu thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí có hại cho sức khoẻ và môi trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế; đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

22a89a6aaae611b848f7.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận - Bố Thị Xuân Linh thảo luận sáng nay 22/11.

Đảm bảo tính minh bạch trong áp dụng thuế

Góp ý cụ thể về Đối tượng chịu thuế (Điều 2); đối với hàng hóa (khoản 1); Điểm a khoản 1, quy định về thuốc lá bao gồm nhiều loại sản phẩm khác nhau như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi.... Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung rõ hơn về tiêu chuẩn chất lượng hoặc hình thức xử lý đối với các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn để đảm bảo tính minh bạch trong áp dụng thuế. Đồng thời đề nghị bổ sung các dạng thuốc lá điện tử vào điểm a.

Tại Điểm h khoản 1, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ: “trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay” không nên quy định các trường hợp loại trừ như trên vì quy định trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay rất dễ bị lợi dụng để không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặt khác, dù sử dụng vào mục đích gì thì cũng phải trải qua quá trình sản xuất, lưu thông, mua bán, trao đổi.

Tham gia ý kiến tại Điểm g khoản 1, đại biểu kiến nghị không đưa mặt hàng xăng các loại (xăng thường, xăng E5, xăng E10) vào diện chịu thuế TTĐB, vì mặt hàng xăng đã phải trả thuế bảo vệ môi trường. “Tôi cho rằng việc đánh thuế TTĐB đối với xăng làm gia tăng chi phí sản xuất, tăng lạm phát.... Hơn nữa, việc đánh thuế TTĐB với xăng nhưng không đánh thuế TTĐB với dầu diesel, sẽ không bảo đảm công bằng, trong khi dầu diesel là một chế phẩm nhiên liệu thay thế xăng, có mức độ ô nhiễm môi trường cao hơn” - đại biểu Bố Thị Xuân Linh phân tích.

Cần quy định theo hướng khái quát hơn

Tham gia ý kiến đối với dịch vụ tại khoản 2, theo đại biểu khoản 2 đã liệt kê khá đầy đủ các dịch vụ, như: vũ trường, massage, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng…; tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế số, trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh như hiện nay thì trong tương lai có thể xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới, đặc biệt là dịch vụ trực tuyến, để đảm bảo sự bao quát và không bỏ sót các đối tượng chịu thuế, đại biểu đề nghị cần quy định theo hướng khái quát hơn.

Tại Khoản 3 dự thảo quy định: “Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều này để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, giao Chính phủ xem xét, quy định.”. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc giao Chính phủ sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như trên là chưa phù hợp về thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến đối tượng không chịu thuế tại Điều 3, đại biểu đề nghị biên tập lại điểm a theo hướng bỏ bớt một cụm từ “trong định mức được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu” để tránh trùng lắp.

Tại Khoản 5 quy định: “Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều này để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, giao Chính phủ xem xét, quy định.”. Tương tự như quy định tại khoản 3 Điều 2, việc giao Chính phủ quy định như trên là không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về thuế suất tại Điều 8, đối với các hàng hóa như: thuốc lá, rượu, bia đại biểu đề nghị lựa chọn phương án 2, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện có hiệu quả của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, góp phần giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, rượu, bia, nâng cao sức khỏe nhân dân, giảm gánh nặng bệnh tật do thuốc lá, rượu, bia gây nên.

Đối với hàng hóa là: “xe ô tô chạy bằng năng lượng sinh học thuế suất bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại quy định tại các điểm 4a, 4b, 4c và 4d....” của Biểu thuế là vẫn còn quá cao, chưa có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ loại hàng hóa thân thiện với môi trường này phát triển trong xu thế hiện nay; vì vậy, đại biểu đề nghị giảm xuống khoảng 30% đến 40%.

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quốc hội thảo luận tại tổ Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng
BTO-Sáng ngày 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại Tổ 15.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo tính minh bạch trong áp dụng thuế