Mốc son lịch sử
Ông Nguyễn Hồng Pháp – Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc cho biết, Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc (trước đây là huyện Hàm Thuận) được thành lập ngày 5/12/1947 tại Rẫy Thơm - Tùy Hòa (xã Hàm Đức). Sự kiện này trở thành một mốc son lịch sử trong xây dựng và phát triển của Đảng bộ huyện. Từ khi được thành lập, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo phong trào cách mạng huyện nhà từ đấu tranh tự phát thành tự giác với ý thức cách mạng ngày càng cao. Đặc biệt, Đảng bộ Hàm Thuận sớm xây dựng và phát triển vững chắc thế trận lòng dân, Đảng bám dân; dân bám đất, bám làng, một lòng nuôi dưỡng chở che cách mạng, kể cả ngay trong lòng địch. Khi Đảng phát động đấu tranh vũ trang, mọi tầng lớp nhân dân đứng lên hưởng ứng mạnh mẽ, tạo thế bao vây tiêu diệt địch; đưa cuộc kháng chiến từ nhỏ đến lớn; từ yếu đến mạnh; càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.
Kết thúc chiến tranh, Hàm Thuận có trên 6.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hy sinh; gần 5.000 người bị thương, tra tấn, tù đày. Nhiều tên đất, tên làng đã trở thành những địa danh lịch sử oai hùng như: “Khu Lê bất khuất”, “Tam giác kiên cường”, “Nam Sơn Trung Dũng”, “Đường Tám rực lửa chiến công”… Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, năm 1978, huyện Hàm Thuận được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”, cùng với 16 tập thể và 11 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang. Đến nay, toàn huyện có 798 bà mẹ được tôn vinh danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thành tựu tự hào
Sau giải phóng, huyện Hàm Thuận đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức do hậu quả chiến tranh để lại. Đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu thốn. Do đó, Đảng bộ và nhân dân Hàm Thuận khẩn trương bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Qua 75 năm với 17 kỳ đại hội, Đảng bộ huyện đã đề ra các chủ trương, nghị quyết đúng đắn để lãnh đạo phong trào cách mạng, phù hợp với thực tiễn địa phương, đưa Hàm Thuận Bắc từ một huyện nghèo nàn, lạc hậu từng bước phát triển đi lên. Từ một vùng đất khô hạn nay trở thành huyện cơ bản chủ động về nước và từng bước biến những khó khăn thành lợi thế; kinh tế huyện nhà liên tục tăng trưởng.
Hiện nay, toàn huyện có 685 doanh nghiệp và trên 5.400 hộ kinh doanh. 10/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thị trấn giữ chuẩn đô thị văn minh. Bộ mặt các xã, thị trấn ngày càng khởi sắc. Chất lượng giáo dục được nâng lên, 32/72 trường đạt chuẩn quốc gia. 17/17 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Đời sống nhân dân ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 48 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,53% theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh).
Theo Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc, những thành tựu đạt được của Đảng bộ huyện qua 75 năm là rất đáng tự hào. Song, vẫn chưa tương xứng với sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ cha ông đi trước, chưa đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng nhiều loại cây trồng chưa cao; thu nhập và đời sống của một bộ phận nhân dân còn thấp; kết cấu hạ tầng còn thiếu, nhất là giao thông đối ngoại... Đây là những vấn đề đặt ra mà Đảng bộ huyện sẽ tập trung lãnh đạo khắc phục để tạo thế và lực cho quá trình phát triển huyện nhà trong thời gian đến.
Để phát triển nhanh, bền vững
Nói về thành tựu mà huyện Hàm Thuận Bắc đạt được, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, Đảng bộ và nhân dân Hàm Thuận luôn tiên phong, đóng góp máu xương, công sức, đóng góp rất quan trọng, để lại dấu ấn đậm nét trong sự phát triển của tỉnh. Thời gian sẽ qua đi, nhưng sự hy sinh, đóng góp của lớp lớp cán bộ, đảng viên Đảng bộ Hàm Thuận năm xưa, cũng như huyện Hàm Thuận Bắc hôm nay sẽ mãi mãi đọng lại, không bao giờ phai mờ.
75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện đã để lại những bài học lịch sử rất giá trị. Trước hết, đó là bài học trong bất cứ thời kỳ nào, phải ra sức xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức Đảng và đảng viên. Đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức trong sáng, bản lĩnh vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, luôn đứng ở vị trí tiên phong trong chiến đấu, công tác. Thứ hai, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy, phải biết dựa vào dân và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; không ngừng củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Để phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang cùng những thành tựu đạt được nhằm đưa Hàm Thuận Bắc phát triển nhanh và bền vững, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Đảng bộ huyện tập trung xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh gắn với không ngừng củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn huyện. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng thực chất, khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Không ngừng củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Phát huy mạnh mẽ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục làm tốt công tác dân vận, nhất là công tác dân vận chính quyền; phát huy đúng mức hơn nữa dân chủ ở cơ sở, huy động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Song song đó, tiếp tục lãnh đạo huyện phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn về kinh tế gắn với không ngừng chăm lo, bảo đảm cuộc sống yên bình cho nhân dân. Tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế toàn diện theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Nghiên cứu phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của địa phương, khuyến khích phát triển cây trồng, con nuôi chủ lực, lợi thế của địa phương đi đôi với đầu tư ngành nghề chế biến nông - lâm - sản; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, thương mại gắn với mở rộng thị trường nông thôn; tranh thủ các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi và các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, kinh tế. Quan tâm chăm lo đúng mức, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Làm tốt hơn nữa công tác “đền ơn đáp nghĩa”, giảm nghèo, đặc biệt quan tâm đến các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ kháng chiến cũ…