Theo dõi trên

Đất Bình Thuận xưa - nơi hội tụ lòng người

10/03/2023, 05:42

Những tên làng, xã nghe quen thuộc thân thương như Bình An, Phú Hội, Xuân An, Xuân Hội, Hòa Thuận, Hưng Long, Bình Hưng… đa phần là những tên làng, xã nơi cố hương. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết trong bài thơ Đất nước: “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân. Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”.

Bình Thuận xưa là nơi gặp gỡ nhiều luồng di dân của người Việt theo chân các chúa Nguyễn đi mở mang, khai phá bờ cõi và tụ cư sinh sống từ thế kỷ 17, 18, 19 và cả những năm đầu thế kỷ 20. Đó là nững cuộc di dân với đủ loại phương tiện di chuyển bằng đường bộ và đường thủy, vô cùng gian khổ, hiểm nguy để khai phá đất đai lập nên những làng mạc trên vùng đất rộng lớn mà sau này tỉnh Bình Thuận hình thành trên nền tảng đó.

dinh-lang-1.jpg

Lê Quý Đôn miêu tả những cuộc di dân: “Từ rất sớm, trên mảnh đất phía Nam này, cư dân Việt vốn là những nông dân xiêu tán, hay những người thợ thủ công cùng khổ, những binh lính lao dịch bị lưu đày… đã buộc phải rời bỏ xóm làng mình vào Nam khai hoang, lập nghiệp. Để thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của giai cấp địa chủ phong kiến, của chiến tranh địch họa, của những nạn thiên tai”.

Các thế hệ cư dân Việt đầu tiên đặt chân về vùng đất này khai hoang lập nghiệp ngày càng đông, trước cả khi chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn thiết lập những đơn vị hành chánh, khẳng định vai trò chủ quyền ở đây.

Những trang sử hào hùng về chuyện lập làng, lập xã ấy được ghi lại bằng nhiều loại hình sử liệu khác nhau trong di tích, qua di vật, chữ viết, ngôn ngữ truyền miệng. Trong số những nguồn sử liệu ấy thì di tích lịch sử - văn hóa đóng vai trò như một nguồn sử liệu vật chất quan trọng. Nó cung cấp một số thông tin trực tiếp từ cụ thể những hoạt động của con người trong quá khứ mà nhiều nguồn sử liệu khác không hoặc không có điều kiện đề cập tới.

Chúng tôi có điều kiện khảo sát và nghiên cứu hàng trăm di tích đủ các hình loại, từ đình, chùa, miếu, lăng vạn các địa phương trong tỉnh. Trong thần phả, gia phả những di tích ấy đã thấy được một phần nhỏ về nguồn gốc dân cư, quá trình lập làng, xã và nghề nghiệp thuở ban sơ cả nông nghiệp và ngư nghiệp trên những vùng đất mới. Đi đến đâu và dù ở đâu, những thế hệ người Việt vẫn gìn giữ và truyền lại cho các hế hệ mai sau mọi giá trị vật chất và tin thần.

Một trong số đó là số liệu ở đình Bình An, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong cho biết: “Vào nửa cuối thế kỷ XVII, các tộc họ Lê, Nguyễn, Huỳnh, Phạm là những lớp người đầu tiên ở vùng đất ngũ Quảng đến đây khai khẩn, tạo lập xóm làng và lấy tên là thôn Bình An”. Sau khi yên dân, đình Bình An được tạo dựng từ năm Canh Tý (1700) là di tích có niên đại cổ xưa nhất trong hệ thống di tích ở Bình Thuận.

Còn tài liệu ở đình Xuân Hội, Chợ Lầu, huyện Bắc Bình thì cho biết thông tin: “… Triều Lê năm Quý Mùi (1763) Hà Nội tỉnh phái 100 quan quân vào trấn Thuận Thành giáo huấn thổ dân, nhân đó qui dân lập ấp dọn phát rừng 20ha ăn ở… năm Quý Mão (1783) dựng nhà tranh vách đất thờ cúng, tục gọi Thành Hoàng bổn cảnh”. Qua đây cho biết, dù đã quy tụ về đây khá lâu nhưng cư dân vẫn chưa được yên ổn làm ăn, nên chính quyền phong kiến Trung ương vẫn phải phái quan quân vào giúp dân trấn áp.

Hầu như đình, chùa, miếu, lăng vạn… nào cũng ghi nguồn gốc dân cư, địa điểm quy tụ từng nhóm người để xây dựng nên xóm, làng. Hơn lúc nào hết, khi mới di cư đến thì mái đình, nóc chùa là nơi lòng người hội tụ, là sức mạnh nội lực giúp người dân chống chọi với thiên tai, vượt qua những khó khăn trong lao động, cuộc sống.

Người dân Bình Thuận xưa đã từng chứng kiến những cuộc hành quân lớn của quan, quân chúa Nguyễn và thời gian sau là của quan quân triều Nguyễn hành binh qua dải đất này trong những cuộc nội chiến hoặc đánh giặc ngoại xâm ở phía Nam. Rồi những cuộc hành quân thần tốc của hàng nghìn binh lính và dân phu quân Tây Sơn - Nguyễn Huệ cùng thần tốc đánh quân Xiêm (Thái Lan) xâm lược nước ta. Tiêu biểu là trận Rạch Gầm - Xoài Mút làm nên chiến thắng vang dội năm Giáp Thìn (1785).

Liên tục như thế, đất Bình Thuận luôn là nơi quy tụ những dòng người di cư để vừa xây dựng quê hương vừa đấu tranh chống thiên nhiên và giặc xâm lược. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ Nguyễn Thông tìm đến đây để lánh nạn theo phong trào "tỵ địa" (không sống chung với giặc) của các chí sĩ thời bấy giờ. Đây là trào lưu của những người yêu nước bất hợp tác với Pháp. Giai đoạn năm 1877, người dân miền Nam ra Bình Thuận khá đông để "tỵ địa", di cư đến vùng núi để khai hoang lập nghiệp.

Bình Thuận với vị trí địa lý bản lề, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, nên nhiều sĩ phu yêu nước các miền như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... đã tụ nghĩa, bàn bạc kế sách làm cách mạng những năm đầu thế kỷ XX. Nhiều hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội được phát động mà cả thời kỳ dài trước đó chưa có. Như tổ chức Liên Thành Thương quán làm kinh tế gây quỹ hoạt động cho phong trào Duy Tân; Liên Thành Thư xã với mục đích là truyền bá sách báo có nội dung yêu nước, mở mang dân trí và Dục Thanh Học hiệu tức Trường Dục Thanh để dạy học cho con em nhân dân lao động, giáo dục theo nội dung yêu nước và tiến bộ. Mái trường thân yêu này cũng là cơ duyên để năm 1910, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã đến dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn để xuất ngoại tìm đường cứu nước.

Điểm lại những cuộc hội tụ xưa của ông cha từ thế hệ này sang thế hệ khác, từng kéo dài liên tục nhiều thế kỷ. Đó là hội tụ lòng người để xây dựng và bảo vệ quê hương, là những cuộc hội tụ đầy máu và nước mắt mới có được một vùng đất nước rộng lớn như bây giờ. Nay hội tụ xanh, hội tụ trong hòa bình, đất nước đang từng bước phát triển bền vững với những kỳ vọng tốt đẹp ở tương lai và để chúng ta không quên những cuộc hội tụ xưa.  

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hơn 1300 cơ thủ hội ngộ tại Bình Thuận
BTO-Ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL biết: Tổng cục Thể dục Thể thao đã có quyết định thành lập Ban Tổ chức giải Billiards & Snooker vô địch quốc gia (vòng 1) năm 2023, tại Bình Thuận.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đất Bình Thuận xưa - nơi hội tụ lòng người