Theo dõi trên

Đất đắp phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh: Đảm bảo cho toàn tuyến

27/12/2021, 06:27

BT- Theo thông tin từ Sở Tài nguyên & Môi trường, chỉ tính riêng công trình cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ban Quản lý Dự án 7 làm chủ đầu tư (tổng chiều dài tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh 100,8 km) có nhu cầu thực tế sử dụng vật liệu san lấp là 9,2 triệu m3.

mo-dat.jpg
Mỏ đất đắp phục vụ san lấp đường cao tốc.

Theo hồ sơ thiết kế được duyệt trước đây là 7,1 triệu m3, sau khi đã trừ đi khối lượng tận dụng đá đào nền đường để xay nghiền thành vật liệu đất đắp (1,7 triệu m3) tại gói thầu XL01 huyện Tuy Phong, thì khối lượng cần khoảng 7,5 triệu m3. Trong đó, trữ lượng các mỏ đất đắp đã cấp phép (kể cả 3 mỏ đã được nâng công suất 50% theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ) đang làm thủ tục cấp phép đạt yêu cầu về trữ lượng và cự ly vận chuyển khoảng hơn 3 triệu m3, số lượng vật liệu đạt yêu cầu của chủ đầu tư còn thiếu dự kiến khoảng 4,5 triệu m3… “Sở Tài nguyên & Môi trường đã bổ sung trình UBND tỉnh cấp phép thăm dò cho 3 khu mỏ, gồm 2 mỏ vật liệu san lấp tại thôn Sông Khiêng, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, 1 mỏ vật liệu san lấp tại thôn 2, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam để chủ đầu tư xúc tiến thủ tục khai thác bổ sung số lượng vật liệu đang còn thiếu trên”, ông Trần Hữu Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên & môi trường cho hay.

Trong khi đó, gói thầu XL04 thuộc đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua địa bàn 3 huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam nhu cầu đất đắp cần khoảng 4,25 triệu m3. Trong đó 6 mỏ đã được tỉnh cấp phép đáp ứng đoạn tuyến này khoảng 2,6 triệu m3; Sở Tài nguyên & Môi trường cũng đã trình UBND tỉnh cấp phép thăm dò cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù 2 mỏ với trữ lượng 0,62 triệu m3 đất đắp. Tổng khối lượng đất đắp cho gói thầu trên đã được nâng lên 3,2 triệu m3, chỉ còn thiếu 1 triệu m3…Trong diễn biến liên quan này, mỏ núi Ếch hiện do Công ty Sa Phát được cấp phép khai thác với công suất 1,1 triệu m3/năm, nhưng hiện Ban Quản lý dự án 7 chủ đầu tư đoạn tuyến trên chỉ đề xuất lấy 600.000 m3 cho gói thầu XL04. “Trong trường hợp Ban Quản lý dự án 7 cùng nhà thầu đề xuất bổ sung khối lượng đất đắp cho công trình tại mỏ núi Ếch, áp dụng Nghị quyết 60/NQ-CP được phép nâng công suất 50% thì mỏ núi Ếch có thể khai thác khoảng 2 triệu m3/năm, đủ bù đắp nguồn thiếu hụt từ gói thầu XL04”, ông Trần Hữu Thành chia sẻ.

Trong cuộc họp mới đây về rà soát vật liệu đất đắp phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn qua địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong chỉ đạo, Sở Tài nguyên & Môi trường cần tiếp tục rà soát lại kỹ lưỡng các mỏ đã được cấp phép và đang làm thủ tục cấp phép trên đoạn tuyến của gói XL04, hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục khai thác, đáp ứng vật liệu đất đắp gói thầu này. Trường hợp phải tiếp tục bổ sung quy hoạch, Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp Sở Xây dựng làm việc với nhà thầu thi công xây dựng lộ trình thực hiện các thủ tục đồng bộ, rút ngắn thời gian, đưa vào khai thác. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các nhà thầu cần chủ động triển khai song song các hồ sơ theo quy định nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Dồn sức cho đường cao tốc
BT- Đường bộ cao tốc Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các đô thị lớn, cảng biển, trung tâm kinh tế lớn... Quốc hội đã có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; trước mắt đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đất đắp phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh: Đảm bảo cho toàn tuyến