“Bảo kê” là một loại tội phạm, thực chất là cưỡng đoạt tài sản. Trước đây chúng ta chỉ nghe đến nạn bảo kê các hoạt động kinh doanh đặc biệt “nhạy cảm” như: nhà nghỉ, vũ trường, karaoke, massage, bia ôm, hoặc bảo kê cho các hoạt động trái pháp luật khác. Nay một băng nhóm đòi “bảo kê” ở một công trình trọng điểm quốc gia khiến dư luận bức xúc. Có thể những kẻ coi thường pháp luật, “coi trời bằng vung” này đã quen với việc trộm cắp, bảo kê tại công trình nhiệt điện Vĩnh Tân trước đây? Năm 2016, Công an Tuy Phong đã bắt giữ một băng nhóm chuyên hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của các doanh nghiệp tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Băng nhóm này dùng mã tấu tấn công công nhân của các doanh nghiệp, ngăn không cho công nhân vào công trình làm việc, doanh nghiệp nào chịu nộp tiền bảo kê mới được vào công trường thi công. Công an tỉnh và huyện Tuy Phong mai phục bắt được băng nhóm này khi đang nhận 120 triệu đồng tiền bảo kê của một doanh nghiệp tại đây.
Được biết, xe ben, máy xúc, máy ủi đến tập kết tại Vĩnh Tân để thi công, thường bị bọn trộm đột nhập vào bãi xe tháo bình ắc quy, phụ tùng xe. Sau đó băng nhóm bảo kê gặp chủ doanh nghiệp yêu cầu ký “hợp đồng bảo vệ” nếu muốn an toàn. Dù bị ép bảo kê đòi tiền hàng tháng, nhưng nhiều doanh nghiệp không dám tố cáo vì sợ bị trả thù. Đã xảy ra vụ ném bom xăng vào lán trại của công nhân, làm 3 công nhân bỏng nặng, vì không chịu ăn cơm “ủng hộ” quán. Có nhiều băng nhóm bảo kê tranh giành “lãnh địa” ở Vĩnh Tân. Hàng năm Công an huyện khởi tố hàng chục vụ và nhiều bị can trộm cắp ở công trình nhiệt điện Vĩnh Tân, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm để bảo vệ an ninh trật tự tại công trình trọng điểm này.
2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vừa được khởi công hôm 30/9 vừa qua (tổng chiều dài gần 160 km, tổng mức đầu tư hơn 24.500 tỷ đồng). Đây là một công trình trọng điểm của đất nước, đồng thời có ý nghĩa cực kỳ quan trọng tháo gỡ “điểm nghẽn” để phát triển kinh tế - xã hội Bình Thuận. Chính phủ đã chỉ thị cho các địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho việc thi công dự án.
Để hoàn thành 2 đoạn cao tốc này vào cuối năm 2022 theo Chính phủ yêu cầu , thời gian tới nơi đây sẽ là “đại công trường” tập kết rất nhiều doanh nghiệp, xe, máy, thiết bị, vật tư, nhân công phục vụ thi công dự án. Vì thế sẽ thu hút nhiều băng nhóm tội phạm và đối tượng bất lương đến đây “làm ăn”. Tình hình an ninh trật tự sẽ diễn biến phức tạp hơn. Chắc chắn lực lượng Công an tỉnh và công an 29 xã, thị trấn của 5 huyện gồm Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân có dự án cao tốc đi qua, sẽ mạnh tay trấn áp các băng nhóm trộm cắp, bảo kê ngay từ lúc manh nha, không cho chúng lộng hành, phá hoại tiến độ công trình trọng điểm của đất nước.
Bình Thuận đã dốc toàn lực để dẫn đầu các tỉnh về giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam. Trong 2 năm tới Bình Thuận quyết tâm bảo đảm an ninh trật tự an toàn cho các đơn vị thi công công trình trọng điểm quốc gia này.
Đặng Dũng