Theo dõi trên

Đầu tư đồng bộ công trình thủy lợi để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt

18/04/2024, 05:20

Bình Thuận được “mệnh danh” là địa phương có 3 “kh” là khô, khó và khổ. Cùng với tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận là địa phương nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước. Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhưng trên thực tế mùa mưa chỉ tập trung vào 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Vì vậy có thể nói mùa khô ở Bình Thuận thường kéo dài dẫn đến nguồn nước mặt trên sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt và nguồn nước ngầm bị suy giảm.

kho-han-1-.jpg
Hồ Sông Quao. Ảnh tư liệu

Bảo vệ nguồn nước để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt

Khô hạn là vậy, trong khi đó tỉnh Bình Thuận hiện chỉ có 49 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng. Tổng dung tích thiết kế chỉ đạt hơn 362 triệu m3 nhưng tổng nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp hàng năm của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 hơn 1.169 triệu m3/năm. Như vậy chưa đáp ứng yêu cầu tích trữ nguồn nước dự trữ cung ứng phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong các tháng mùa khô. Để giải quyết bài toán nước sạch cho người dân, thời gian qua Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đưa nước sạch về nông thôn phục vụ sinh hoạt của người dân. Theo đó, trung tâm đã tận dụng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó có vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư, nâng cấp mở rộng các công trình cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện trung tâm này đang quản lý vận hành 41 công trình cấp nước với tổng công suất thiết kế 54.150 m3/ngày, phục vụ cấp nước trên địa bàn 2 phường, 9 thị trấn và 55 xã, trong đó có 9 xã vùng cao và 23 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số, 3 xã hải đảo thuộc 9/10 huyện, thị xã, thành phố.

Để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bình Thuận đã triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn tài nguyên nước nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nước mặt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Đặc biệt là UBND tỉnh còn yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đo đạc lấy mẫu các điểm “nóng” về môi trường, không để việc sản xuất của các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đồng thời đẩy mạnh điều tra cơ bản, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước như: Lập quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; xây dựng vận hành hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; tăng cường các biện pháp tích nước, điều hòa, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước hiệu quả… Riêng đối với công tác bảo vệ và cải thiện môi trường lưu vực sông La Ngà, nằm trong lưu vực sông Đồng Nai, UBND tỉnh còn yêu cầu các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đo đạc lấy mẫu để có đủ cơ sở xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý, khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu vực sông La Ngà. Hiện đã có 7 điểm thuộc lưu vực sông La Ngà được lấy mẫu quan trắc hàng năm, đồng thời thực hiện nhiều đợt kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung kiểm tra đối với các cơ sở chăn nuôi heo, chế biến cao su, bệnh viện, bãi rác, các cơ sở trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các điểm nóng về môi trường các huyện nằm trên lưu vực sông La Ngà. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường còn tập trung tuyên truyền các chính sách bảo vệ nguồn nước nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò của các hồ chứa nước cũng như những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và những nguy cơ đe dọa về sự thiếu hụt nguồn nước đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư đồng bộ công trình thủy lợi

Các công trình thủy lợi của tỉnh phát triển sẽ giúp đất sản xuất không bỏ hoang, chính vì thế tỉnh Bình Thuận đã triển khai Kế hoạch hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng công trình đầu mối và kênh chính của các hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do hạn chế về nguồn lực cung như kỹ thuật, thiếu kinh phí tu bổ thường xuyên nên nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Để phát huy hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi, cần thiết phải đầu tư đồng bộ công trình từ đầu mối đến mặt ruộng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác tiên tiến hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tỷ lệ kiên cố kênh nội đồng đạt thấp, tính đến nay đạt khoảng 10,2% (199,92 km/1.966,03 km). Kết quả áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đối với cây trồng cạn hiện là 21.500/154.700 ha. Vì vậy, cần thiết phải tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng có sự hỗ trợ của Nhà nước để đáp ứng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu của tỉnh sẽ tập trung phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đồng bộ, sử dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm khai thác, tận dụng tốt nhất nguồn nước hiện có để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng thêm diện tích tưới chủ động, thúc đẩy quá trình thâm canh tăng vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước, góp phần tạo sự chuyển biến nhanh và bền vững trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị trên địa bàn toàn tỉnh. Đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn chủ lực, tập trung được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt tỷ lệ 20%; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương nội đồng đạt tỷ lệ 15%.

Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cho các khu vực chuyển đổi cây trồng, khu vực hạn hán, vùng khó khăn nguồn nước ở cuối kênh, khu vực cây trồng có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào sản xuất. Bên cạnh đó xây dựng công trình thủy lợi nhỏ tập trung và thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có trên địa bàn để phát huy hiệu quả công trình, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Ưu tiên xây dựng các công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn để tăng thu nhập và đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Tiến hành kiên cố kênh, mương theo hướng ưu tiên đầu tư những khu vực có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, các xã nông thôn mới và sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản phẩm của địa phương để ổn định công trình nhằm tăng khả năng chống chịu với thiên tai, tiết kiệm nước, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng công trình gắn với phát triển giao thông nội đồng, chỉnh trang nông thôn…

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Vụ đông xuân 2023 – 2024: Sản lượng lương thực ước trên 280.800 tấn, đạt 109,26% kế hoạch
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ đông xuân vừa qua, thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất, trồng trọt; trữ lượng nước các hệ thống công trình thủy lợi, các hồ chứa cung cấp tương đối ổn định cho sản xuất cây hàng năm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư đồng bộ công trình thủy lợi để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt