Do đâu bị nợ xấu?
Nợ xấu là đều không ai muốn, không chỉ người đi vay, sử dụng thẻ tín dụng, mua hàng trả góp mà kể cả ngân hàng hay công ty tài chính cũng “buồn lây” khi có khách hàng bị nợ xấu. Theo Điều 10 Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nợ được phân loại thành 5 nhóm gồm: Nợ nhóm 1 là nợ tiêu chuẩn, nợ nhóm 2 là nợ cần chú ý, nợ nhóm 3 là nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nhóm 4 là nợ nghi ngờ và nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn. Đồng thời, tại Khoản 8 Điều 3 Thông tư 11 quy định: Nợ xấu thuộc các nhóm 3, 4 và 5 là những khoản vay, dù đã đến hạn thanh toán nhưng chưa được khách hàng vay thanh toán đầy đủ (gốc, lãi) và đã quá hạn trên 90 ngày, kể từ ngày bắt đầu đến hạn trả. Mặt khác, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khi phát sinh thỏa thuận cho vay, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phải báo cáo Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) về thông tin khách hàng còn dư nợ để thu thập, phân tích, lưu trữ thông tin tín dụng. Chính vì vậy, toàn bộ dữ liệu tín dụng của khách hàng được CIC lưu giữ.
Để tránh tình trạng nợ xấu, nhất là đối với trường hợp cho vay trả góp, cho vay thấu chi, cho vay thẻ tín dụng, khách hàng cần phải tìm hiểu về tổ chức tín dụng, công ty tài chính mà mình muốn vay. Tìm hiểu về những chức năng, lợi ích như các loại thẻ, lãi suất, cách thanh toán, tính năng... cũng như những mặt hạn chế khi sử dụng thẻ (lãi quá hạn cao, phí và lãi rút tiền mặt cao, có thể mất tiền khi mất thẻ và đặc biệt là dễ dẫn đến tình trạng nợ xấu nếu không trả nợ đúng hạn...). Thường xuyên kiểm tra thông tin tín dụng của mình tại các tổ chức tài chính, công ty tài chính...
Khách hàng cần làm gì
Nếu phát hiện mình bị nợ xấu, điều đầu tiên cần làm là khách hàng cần liên hệ với ngân hàng hoặc công ty tài chính để trả khoản nợ xấu. Chị Nguyễn Thị Hòa ở xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc kể: “Tôi vay của công ty tài chính F với 50 triệu đồng, trong quá trình trả nợ bị nợ xấu, đến khi vay ngân hàng theo yêu cầu tôi phải trả khoản nợ xấu cho công ty tài chính F, ngân hàng mới giải quyết cho vay. Tuy nhiên, khi trả xong khoản nợ xấu thì gần 1 tháng sau đến ngân hàng để vay nhưng nhân viên ngân hàng kiểm tra trên CIC, nợ xấu vẫn còn. Dù có giải thích kèm theo hóa đơn thanh toán nhưng ngân hàng vẫn không chịu cho vay, yêu cầu tôi phải có giấy chứng nhận của công ty tài chính F đã thanh toán xong. Lúc tôi khiếu nại và yêu cầu cấp giấy chứng nhận trả xong nợ thì mới vỡ lẽ ra vấn đề là công ty tài chính F chưa nhập dữ liệu trả nợ xong của tôi vào hệ thống… Từ đây kinh nghiệm rút ra là khi trả nợ xong, nhất là đối với các công ty tài chính (với các ngân hàng thì có sẵn thủ tục nên không cần thiết) khách hàng cần lưu ý là phải yêu cầu cấp giấy chứng nhận trả xong nợ. Bởi rất nhiều trường hợp người dân gặp phải là các công ty tài chính thường “quên” nhập dữ liệu hoặc công ty có quy định một khoảng thời gian nhất định trong tháng hoặc kết tháng, công ty mới nhập dữ liệu nên mới có vụ việc khách hàng đã trả nợ xong nhưng cả tháng sau trên hệ thống CIC vẫn còn hiện nợ xấu…
Ông Phan Thanh Én – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận cho biết: Trường hợp phát hiện sai sót về tình trạng nợ xấu trên CIC, thì theo Điều 18 Thông tư 03/2013/TT-NHNN, khách hàng có thể gửi yêu cầu khiếu nại để kiểm tra, điều chỉnh lại thông tin, nhưng không được lợi dụng khiếu nại sai sự thật. Nơi gửi yêu cầu là CIC hoặc tổ chức tín dụng, công ty tài chính mà khách hàng có nợ xấu. Hồ sơ gửi yêu cầu thông qua hệ thống điện tử hoặc gửi bằng văn bản nêu rõ lý do kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh sai sót về thông tin lịch sử nợ xấu của mình. Thời gian giải quyết trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại: Thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ và yêu cầu bổ sung thông tin (nếu có) để xác minh, giải quyết. Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại hợp lệ: Xem xét, điều chỉnh dữ liệu sai sót, thông báo cho khách hàng vay. Trường hợp phải kiểm tra, xác minh nội dung kiếu nại tại các tổ chức có liên quan thì có thể kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại theo tình hình thực tế nhưng phải thông báo cho khách hàng vay về lý do kéo dài…