Tại tỉnh Bình Thuận, ngày 18/3/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, quản trị nhà nước, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân thông qua chuyển đổi số… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn.
Chuyển đổi số được coi là chìa khóa để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Và thế hệ ĐVTN Bình Thuận được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực trong tương lai. Năm 2023, tỉnh Bình Thuận vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn để tổ chức lễ khởi động Tháng Thanh niên 2023 với chủ đề “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số” nhằm phát huy sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ. Tuổi trẻ Bình Thuận đã và đang khẳng định là lực lượng xung kích, tích cực trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tích cực, chủ động, tiên phong tham gia vào quá trình xây dựng chính phủ số, chính quyền số, xã hội số; nâng cao năng lực số cho cán bộ, ĐVTN. Trên “nền tảng” đó, ĐVTN tích cực hỗ trợ, đồng hành với các sở, ban, ngành, địa phương tham gia vào các hoạt động triển khai: Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng số cho người dân, giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số, ứng dụng số, tiện ích số, qua đó nâng cao “năng lực số” cho người dân. Tổ chức Đoàn các cấp đã chủ động cụ thể hóa “chuyển đổi số” thành mô hình, giải pháp, công trình, phần việc của ĐVTN trong năm. Thông qua những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, đã giúp thông điệp “chuyển đổi số” thấm sâu trong mọi hoạt động của tỉnh.
Các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã ứng dụng kịp thời các tính năng của CNTT trong công tác lãnh, chỉ đạo công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị. Tổ chức các cuộc họp, hội nghị “không giấy”; xuất bản Sổ tay điện tử tài liệu sinh hoạt Đoàn hàng tháng, xây dựng sách điện tử về lịch sử Đoàn; tổng hợp các hình ảnh hoạt động, kỷ yếu điện tử tuyên truyền những tấm gương điển hình tiên tiến, những mô hình hay, cách làm hiệu quả tích hợp trong QR code… Tuy nhiên, để ĐVTN tham gia hoạt động chuyển đổi số và phát triển kinh tế số còn gặp không ít khó khăn: Vẫn tồn tại một bộ phận ĐVTN ngại thay đổi, chưa bắt kịp yêu cầu, xu thế mới trong lĩnh vực công nghệ; nhận thức của một bộ phận ĐVTN về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số còn hạn chế; quá trình ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các đối tượng ĐVTN, giữa các huyện, thị, thành đoàn, đoàn trực thuộc; “thiếu” hoặc “chưa có” các dự án khởi nghiệp sáng tạo của ĐVTN trên nền tảng internet, chưa chủ động tiếp cận các nền tảng số phục vụ cho các phong trào, hoạt động của Đoàn...
Để góp phần đưa công tác chuyển đổi số ở Bình Thuận ngày càng tốt hơn, ĐVTN tỉnh nhà cần tập trung phát huy những thế mạnh để tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao năng lực số cho người dân, giúp dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số; các cấp bộ Đoàn nghiên cứu thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng, trong đó ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong việc tiên phong ứng dụng CNTT; ra quân tuyên truyền và hỗ trợ hướng dẫn người dân các địa phương trong tỉnh tiếp cận với chuyển đổi số. Từng bước giúp người dân có thể dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng tốc “xử lý” công việc, đẩy mạnh sử dụng và lưu trữ văn bản số, giảm chi phí hoạt động, từng bước xây dựng môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian, nhất là áp dụng cải cách hành chính… ĐVTN tỉnh nhà cần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo, góp phần xây dựng tỉnh Bình Thuận từng bước trở thành tỉnh “tiên phong” trong chuyển đổi số.
Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, cán bộ, ĐVTN tỉnh nhà cần chủ động tham mưu, góp ý với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về các giải pháp giúp thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực hoạt động. Đồng thời, với lợi thế của tuổi trẻ, có khả năng tiếp cận nhanh các xu hướng mới, hiện đại thông qua các thiết bị công nghệ và môi trường mạng, ĐVTN cần tích cực tuyên truyền, vận động áp dụng CNTT vào cuộc sống. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân tạo ra đột phá trên các lĩnh vực nhờ vào chuyển đổi số và in dấu ấn của thanh niên tỉnh nhà.