Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Bình Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước. Do biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán ngày càng gay gắt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Vào mùa khô, các địa phương trên địa bàn tỉnh phải tính toán cân đối nguồn nước hợp lý, cắt giảm diện tích sản xuất để ưu tiên nước sinh hoạt cho nhân dân, dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp quy mô gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Trong bối cảnh đó, hồ chứa nước đóng vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận nói chung và vùng dự án nói riêng. Bao gồm cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và các ngành kinh tế khác, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, điều tiết lũ để giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên, phần lớn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đưa vào khai thác trong thời gian dài. Tuy quá trình sử dụng đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhưng chưa hoàn chỉnh. Một số hồ chứa đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp bằng nguồn vốn WB8. Các hồ chứa còn lại chưa được đầu tư nâng cấp. Trong đó có 5 hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao là hồ chứa nước Suối Trâm, huyện Hàm Thuận Bắc; hồ Ba Bàu, huyện Hàm Thuận Nam; hồ Núi Đất, thị xã La Gi; hồ chứa nước Đaguiry, huyện Hàm Thuận Bắc.
Từ kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng công trình cho thấy, một số hạng mục công trình đã bị xuống cấp đặc biệt là phần đập đất. Hiện tượng sụt lún, xói mái thượng hạ lưu công trình xảy ra phổ biến ở tất cả các đập nên gây mất ổn định công trình, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp.
Sửa chữa, nâng cấp 5 hồ chứa
Tại kỳ họp lần thứ 8 mới đây, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước (Suối Trâm, Cà Giang, Ba Bàu, Núi Đất, Đaguiry).
Cụ thể, tại hồ chứa nước Suối Trâm, phần đập đất sẽ xử lý mặt đập đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Trên đỉnh đập bố trí gờ chắn bánh xe kết cấu bằng bê tông cốt thép. Đồng thời, gia cố mái thượng lưu bằng tấm lát bê tông cốt thép. Mái hạ lưu sẽ cứng hóa rãnh thoát nước bằng bê tông xi măng kết hợp chia ô trồng cỏ bảo vệ mái. Song song, xây dựng mới tràn ra có kết cấu bê tông và bê tông cốt thép để tiêu thoát nước khi lũ về.
Hồ chứa nước Đaguiry, xử lý mặt đập đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và cứng hóa bằng kết cấu bê tông xi măng. Đồng thời, xử lý mái đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và gia cố bằng tấm bê tông cốt thép. Lắp đặt các thiết bị quan trắc, giám sát vận hành hồ chứa lập quy trình vận hành hồ chứa.
Tại hồ chứa nước Ba Bàu, sẽ thay mới 2 máy tời nâng hạ cửa van tràn xả lũ, máy đóng mở bằng tời điện. Mái hạ lưu được cứng hóa rãnh thoát nước bằng bê tông xi măng kết hợp chia ô trồng cỏ bảo vệ mái… Riêng hồ chứa nước Núi Đất, cứng hóa mặt đập bằng kết cấu bê tông xi măng, giữ nguyên tường chắn sóng thượng lưu. Song song, nâng cấp, mở rộng đường quản lý từ vai phải đập đấu nối vào đường giao thông thôn hiện hữu với kết cấu mặt đường bê tông xi măng kết hợp chia ô trồng cỏ bảo vệ mái…
Việc sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho 6.450 ha đất nông nghiệp tại các địa phương được hưởng lợi. Đồng thời góp phần đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo thuận lợi cho công tác quản lý…
Theo nội dung nghị quyết, đây là dự án thuộc nhóm C. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 65 tỷ đồng, nguồn vốn Trung ương đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm (2022-2023), tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi.