Theo dõi trên

Dạy bơi trong học đường: Thiếu giáo viên chuyên ngành bơi

16/06/2017, 09:31

BT- Người dạy bơi giỏi là biết phân tích đúng, sai về kỹ thuật bơi.  Biết dạy cho người học bơi thích ứng tốt với môi trường nước.

                
Dạy bơi ở hồ bơi Quốc Hùng. Ảnh: Đình Hòa

Thiếu huấn luyện viên chuyên

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 722 giáo viên dạy thể dục. Trong đó, 193 giáo viên dạy thể dục cấp tiểu học, 350 giáo viên dạy cấp trung học cơ sở, 179 giáo viên dạy cấp trung học phổ thông. Đa số  giáo viên này tốt nghiệp các chuyên ngành: điền kinh, bóng chuyền, bóng rổ…; đã học qua môn bơi. Năm 2016, 64 giáo viên trong tổng số giáo viên thể dục vừa nêu được tập huấn về phương pháp dạy bơi và cứu đuối.  Còn  theo Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao, Nguyễn Tấn Lực (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh) cho hay: “Chúng ta đang thiếu huấn luyện viên tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao chuyên ngành bơi. Tại Bình Thuận, ước có khoảng 10 người chuyên về ngành này”.  Vì vậy, có thể nói, Bình Thuận đang thiếu những người có năng lực dạy bơi, dạy bơi một cách đúng nghĩa, cho dù có đến 722 giáo viên thể dục.

 Thích ứng tốt với môi trường nước

Hoạt động trong môi trường nước rất khó bắt chước, người hướng dẫn phải biết kỹ thuật. Người bơi giỏi chưa chắc dạy giỏi. Dạy bơi giỏi là biết phân tích đúng sai về  kỹ thuật. Người dạy bơi có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn sẽ biết hướng dẫn người học bơi thích ứng tốt với môi trường nước (có thể đứng, xoay các hướng trong môi trường nước, thở trong nước...), tiếp đó mới  triển khai dạy kỹ thuật các kiểu bơi. Nếu dạy bơi kiểu “mì ăn liền” không theo quy trình chuẩn, thì người học bơi chỉ biết bơi một cách máy móc và như vậy sẽ dễ bị “đuối”, cũng như không biết ứng phó khi xảy ra sự cố trong lúc bơi. Chẳng hạn, kỹ thuật thả nổi ngửa. Đây là kỹ thuật giúp người bơi lấy lại sức trên đường bơi dài, bị chuột rút khi bơi. Trên thực tế, lắm người biết bơi, nhưng không biết kỹ thuật này vì vậy thường tỏ ra đuối sức trong quá trình bơi. Đó là khẳng định của ông Trần Văn Nguyên, huấn luyện viên chuyên ngành bơi lội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục - Thể thao tỉnh).

Theo ông Nguyên,  một lớp học bơi đông học sinh sẽ không đạt hiệu quả, sự an toàn không cao bởi khó quản lý, cũng như không đủ thời gian kèm cặp học sinh thực hiện các thao tác đúng kỹ thuật. Vì vậy, tốt nhất là  hướng dẫn, quản lý từ 4 – 6 học sinh/1 giờ (từ lớp 2 trở xuống). Với 16 – 18 học sinh/giờ (từ lớp 3 trở lên), một huấn luyện viên kết hợp 1 trợ lý...  

Gỡ khó

Rõ ràng, số lượng giáo viên thể dục được đào tạo chuyên ngành bơi lội của tỉnh chiếm tỷ lệ quá thấp. Trong khi đó, các lớp tập huấn cho giáo viên về dạy bơi và cứu đuối cũng hạn chế. Mới chỉ có 64 giáo viên được tập huấn, chiếm tỷ lệ 8%, còn hơn 658 giáo viên thể dục chưa được tập huấn, chiếm tỷ lệ 92%... Với số lượng lớn giáo viên thể dục không chuyên về bơi lội, thì khả năng quản lý và giảng dạy bơi lội cho học sinh, giúp học sinh nhận biết được những nguy hiểm dễ gặp phải ở môi trường nước sẽ rất khó khăn.

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Thuận, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy bơi và phương pháp cứu đuối cho đội ngũ giáo viên dạy thể dục, sở sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn phương pháp giảng dạy môn bơi và cứu đuối cho giáo viên thể dục trong thời gian tới. Nội dung gồm lý thuyết và thực hành bơi trên cạn – dưới nước, bơi cứu đuối, hô hấp nhân tạo, sơ cứu người bị đuối nước…

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy bơi trong học đường: Thiếu giáo viên chuyên ngành bơi