Bởi trước đó, trên tài khoản một vài phụ huynh của các trường tiểu học ở tỉnh này nói chắc nịch: “Đối tượng xấu đến trường B và có hành vi cho quà, rủ rê một số em học sinh, tự nhận là người nhà, thay mặt bố mẹ, ông bà đến đón các cháu…”. Từ sự việc trên khiến dư luận đặt ra câu hỏi “liệu các bậc phụ huynh đã dạy con đúng cách hay chưa, khi những tình huống được xem là kỹ năng sống ấy các con không hề biết?”.
Với bản tính tò mò, trẻ em thường thích trò chuyện với người lạ. Chúng có thể bắt chuyện với bất kỳ ai ở bất kỳ đâu và dễ dàng bị thu hút bởi những món đồ chơi, thức ăn, nước uống màu sắc. Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cũng đã từng nhiều lần cảnh báo về việc trẻ em được tiếp cận và sử dụng mạng xã hội, chơi game trực tuyến và nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng điều này để thành lập các phòng trò chuyện trực tuyến (online chat room), hoặc các phòng game, diễn đàn để dụ dỗ trẻ em. Dụ dỗ trực tuyến có thể dẫn đến việc trẻ nghe lời kẻ bên kia màn hình đến xem, tương tác với những hình ảnh khiêu dâm, hoặc trẻ tự gửi ảnh của bản thân…
Hiện nay không ít bậc phụ huynh cứ mải miết với công việc, bị cuốn đi bởi cơm áo gạo tiền, khi gửi con cho một ngôi trường nào đó thì hoàn toàn tin rằng nhiệm vụ giáo dục các kỹ năng sống đã có cô thầy chỉ bảo. Nhưng cho dù là trường công hay trường tư thì không bao giờ có một giáo án hay một chương trình chăm sóc, giáo dục nào hoàn hảo tuyệt đối cả.
Từ những sự việc trên, chị Thu Vân (đường Hoàng Ngọc Phách, phường Xuân An. TP. Phan Thiết) cho rằng: “Chúng ta không thể lúc nào cũng kè kè bên cạnh để giám sát con. Đến trường đến lớp, mối quan hệ xã hội được mở rộng, bởi ngoài gia đình các con còn được làm quen, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô… Vì thế, hàng ngày trong bữa cơm, trên đường đi học hay trước khi đi ngủ, tôi nghĩ phụ huynh nên nhắc nhở trẻ không được phép nhận quà từ người lạ, nhớ số điện thoại của ba mẹ và địa chỉ nhà, la to hoặc biết bỏ chạy”.
Còn chị Kim Dung (phường Phú Tài, TP. Phan Thiết) có con đang học lớp 2 Trường tiểu học Xuân An đưa ra kinh nghiệm của bản thân: “Tôi vẫn thường cùng con xem các video, clip mô phỏng, hình ảnh và thông tin về những vụ bắt cóc trẻ em. Sau đó, nói về những nguy cơ tương tự có thể xảy ra với bất cứ trẻ em nào. Điều này sẽ giúp con dần hình thành ý thức phòng vệ cho mình trong những tình huống nguy hiểm. Đồng thời tôi cũng phân tích các tình huống để con không bị hoảng sợ và lo lắng”.
Chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ cũng giống như chăm sóc và nuôi dưỡng một cái cây. Chúng ta phải cẩn thận, kỹ càng ngay từ khâu chọn hạt giống, chọn mảnh đất tốt để gieo hạt. Khi hạt nảy mầm, lên xanh, hàng ngày chúng ta vẫn phải tưới tắm, rào giậu bảo vệ. Nhưng đồng hành cùng con không có nghĩa là cho con đầy đủ về vật chất, mà còn phải là kỹ năng sống. Việc xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử, rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành nên những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị dụ dỗ là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết ngay từ khi còn bé thơ.