Tham dự còn có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đăng, Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Minh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tỉnh. Cuộc họp được kết nối trực tuyến với UBND TP. Phan Thiết và huyện Bắc Bình.
Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp
Trong giai đoạn 2019 - 2021 Bình Thuận đã thực hiện sáp nhập 6 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thành 3 ĐVHC cấp xã mới theo diện khuyến khích. Hiện toàn tỉnh có 124 ĐVHC cấp xã, bao gồm: 93 xã, 19 phường và 12 thị trấn. Triển khai Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 3303/KH-UBND ngày 31/8/2023 về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Qua rà soát tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, Bình Thuận không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp; có 8 ĐVHC cấp xã (2 xã, 6 phường) thuộc diện bắt buộc sắp xếp do đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC. Có 1 ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp là xã Phan Sơn (Bắc Bình).
Tuy nhiên, xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp do được quy hoạch phát triển đô thị, đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số của ĐVHC đô thị. Còn đối với xã Phong Nẫm và phường Thanh Hải, UBND tỉnh đề nghị chưa thực hiện sắp xếp, do liên quan đến Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Phan Thiết.
Dự kiến sau khi sắp xếp, 3 phường: Lạc Đạo, Đức Thắng và Đức Nghĩa thành phường Lạc Đạo (mới); phường Bình Hưng và Hưng Long thành phường Bình Hưng (mới). Với ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp, sẽ điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên của xã Phan Lâm nhập vào xã Phan Sơn (Bắc Bình). Khi thực hiện điều chỉnh thì tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ xã đến thôn và dân số của 2 xã Phan Lâm, Phan Sơn không bị ảnh hưởng, do đã hoàn thành việc di dân, ổn định từ năm 2009.
Việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh giúp tinh gọn tổ chức bộ máy ở cấp xã, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển… Tuy nhiên các đại biểu dự họp đề xuất cần có kế hoạch cụ thể về việc bố trí, sắp xếp đối với cán bộ, công chức (CBCC), người hoạt động không chuyên trách cấp xã, khu phố dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã; có lộ trình, kế hoạch chi tiết các đầu việc; đẩy mạnh truyền thông và lấy ý kiến nhân dân về tên địa phương mới…
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh là cần thiết để tăng số lượng ĐVHC cấp xã đạt chuẩn, phù hợp với yêu cầu quản lý của địa phương; giúp công tác quản lý nhà nước được tốt hơn, các thủ tục hành chính tiếp tục được cải cách, đơn giản hóa từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số, giúp giải quyết công việc nhanh, hiệu quả hơn; góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới ĐVHC do quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhưng đây là đề án lớn, khó, phức tạp, liên quan đến CBCC và cuộc sống người dân, vì thế trong quá trình thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành phải tiến hành chặt chẽ, dự trù các trường hợp phát sinh; điều chỉnh tiến độ, kế hoạch, thời gian cụ thể, rõ ràng để kiểm soát. Phối hợp chặt chẽ với HĐND tỉnh để trình báo cáo đề án.
Các địa phương tập trung lãnh đạo, làm đến đâu chắc đến đó nhằm tạo sự đồng thuận của CBCC, người lao động và nhân dân trong triển khai thực hiện. Nghiên cứu phương án bố trí đội ngũ CBCC phù hợp; quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ với đội ngũ CBCC dôi dư sau sắp xếp. Cùng với đó tập trung tuyên truyền; lấy ý kiến cử tri trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật và lắng nghe, tiếp thu các ý kiến chính đáng; khi lấy tên mới cần chú ý đến yếu tố lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo…