
Hiệu quả từ việc ứng dụng CNTT
Từ giữa những năm 90, nắm bắt được xu thế phát triển của việc ứng dụng CNTT trong công tác văn phòng, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng đã chỉ đạo đưa máy vi tính vào sử dụng để soạn thảo văn bản. Gần 3 thập kỷ qua, các cơ quan Đảng đã thực hiện nhiều dự án CNTT quy mô toàn quốc. Tại tỉnh ta, đến năm 2021, đã có nhiều ứng dụng CNTT phát huy hiệu quả cao trong việc hỗ trợ hoạt động của các cơ quan của Tỉnh ủy. Điển hình là hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp thực hiện việc quản lý, xử lý, gửi nhận và lưu trữ văn bản tài liệu. Hệ thống giúp cho việc tra cứu, khai thác văn bản được thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian xử lý công việc hàng ngày của các cơ quan Đảng. Hay việc vận hành có hiệu quả Trung tâm Tích hợp dữ liệu Tỉnh ủy phục vụ dùng chung cho các cơ quan Đảng trong tỉnh theo mô hình dữ liệu 2 cấp (Trung ương và tỉnh), triển khai tốt phần mềm giám sát an ninh mạng EDR86 cho toàn bộ máy trạm kết nối mạng diện rộng của Đảng, vận hành hiệu quả phần mềm Quản lý cơ sở dữ liệu đảng viên 3.0 và phần mềm Quản lý cán bộ, công chức; vận hành hệ thống truyền hình trực tuyến của Tỉnh ủy ổn định với hơn 300 cuộc họp trực tuyến, phục vụ tốt yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy… Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận và các trang thông tin điện tử thành viên đã đăng tải 5.909 tin, bài phản ánh các sự kiện hoạt động nổi bật của Thường trực Tỉnh ủy và tình hình hoạt động của các địa phương, đơn vị, được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh quan tâm, theo dõi với bình quân 2.590 lượt truy cập hàng ngày.
Đẩy mạnh ứng dụng, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn đó những khó khăn trong ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng. Trong đó, một số lãnh đạo và cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích trong việc ứng dụng CNTT vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và công tác chuyên môn. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số đơn vị chưa kiên quyết, thiếu sự kiểm tra đôn đốc thường xuyên; chế độ đãi ngộ cho cán bộ CNTT tại các địa phương còn rất ít. Một trong những nguyên nhân của sự khó khăn nêu trên là do CNTT là lĩnh vực mới, tốc độ phát triển nhanh; việc triển khai ứng dụng CNTT là nhiệm vụ phức tạp trên quy mô rộng đòi hỏi phải có quá trình thực hiện lâu dài.
Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong Đảng, trong thời gian tới cần tập trung xây dựng và nhận chuyển giao hệ thống thông tin chuyên ngành. Cụ thể là tiếp nhận, đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin, dịch vụ dùng chung và các ứng dụng nội bộ như: Hệ thống cơ sở dữ liệu tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức của hệ thống chính trị; hệ thống thông tin của các ngành, ban đảng; phần mềm quản lý tài sản trong hệ thống cơ quan đảng; phần mềm quản lý dự án; hệ thống thông tin theo dõi kết quả thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Ban Chấp hành/Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện ủy... Đồng thời, tuyên truyền về vai trò của CNTT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia; triển khai đồng bộ, hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm hệ thống thông tin, tập trung xây dựng các hệ thống thông tin có sử dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big data), tăng tính kết nối, chia sẻ, phục vụ cho công tác tham mưu, tổng hợp, thống kê, dự báo; đẩy mạnh công tác số hóa, trao đổi văn bản điện tử trên mạng máy tính; xây dựng các kho dữ liệu khai thác sử dụng chung; trao đổi, khai thác dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia…