Chuyển biến trong điều kiện khó khăn
Theo Cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 của tỉnh có những dấu hiệu khả quan so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá, không khí sản xuất, kinh doanh tốt hơn, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2022, Giám đốc Sở VHTT&DL Bùi Thế Nhân nhấn mạnh: Hoạt động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra sôi động, có tín hiệu phục hồi. Dự ước từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đón hơn 940.000 lượt khách, đạt 21,14% kế hoạch năm. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng giữa Ukraine và Nga có thể làm hụt nguồn khách quốc tế trọng điểm của tỉnh. Vì thế, Hiệp hội Du lịch tỉnh đang tìm kiếm nguồn khách quốc tế khác để bù cho lượng khách Nga những tháng hè sắp tới.
Một vấn đề nữa, năm 2023 Bình Thuận sẽ là nơi đăng cai Năm du lịch quốc gia, vì thế sở sẽ làm việc với UBND tỉnh, Tổng cục Du lịch để sớm có chủ trương, kế hoạch cụ thể chuẩn bị cho sự kiện lớn. Tính đến hết quý II, ngành du lịch dự báo, kịch bản sẽ là 45% trên tổng chỉ tiêu của lượng khách trong năm 2022, nhưng nếu tâm trạng, tâm lý xã hội thuận lợi hơn, khả năng chỉ tiêu sẽ vượt hơn 50% kế hoạch. Đặc biệt, đã có 97 xã tổ chức xong Đại hội thể dục thể thao các cấp. Theo kế hoạch, trong tháng 6 các huyện, thị, thành phố sẽ tổ chức xong. Riêng tỉnh đã tổ chức 5/11 môn của Đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh, dự kiến đến tháng 8 sẽ hoàn thành các môn, gắn liền với sự kiện chào mừng 30 năm tái lập tỉnh. Trong tháng 4, ngành du lịch đã khai trương cổng thông tin du lịch Bình Thuận và cuối tháng này sẽ khai trương thêm sàn giao dịch du lịch, từng bước phát triển du lịch bền vững hơn.
Đánh giá sản xuất nông nghiệp quý I, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho rằng, những tháng qua nhờ thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên diện tích xuống giống vụ đông xuân đạt khá, thời gian xuống giống đảm bảo đúng thời vụ, sản lượng khai thác thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, để phát huy hiệu quả sử dụng đất, tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới và hạn chế sâu bệnh vụ đông xuân 2021 – 2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 3.600 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác. Tuy vậy, theo đánh giá của UBND tỉnh, các yếu tố rủi ro khó lường từ diễn biến dịch Covid-19, lạm phát, tình hình căng thẳng ở Ukraine - Nga, Trung Quốc hạn chế các cửa khẩu trong việc xuất khẩu nông sản... vẫn luôn là thách thức. Những khó khăn ấy đã ảnh hưởng nhiều đến thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giá cả một số nông sản còn bấp bênh. Đặc biệt là hoạt động du lịch trong 3 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch chưa hồi phục hoạt động, thậm chí một số cơ sở phải đóng cửa, phá sản. Thu ngân sách cũng giảm 25,61% so với cùng kỳ năm trước… Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính chuyển biến chậm, chưa đạt yêu cầu. Người dân, doanh nghiệp còn gặp phiền hà do hồ sơ trễ hẹn, nhất là trong lĩnh vực đất đai…
Thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh
Đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã nhấn mạnh tại cuộc họp. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành vừa chuẩn bị phương án phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 của cấp tỉnh, vừa tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần đẩy nhanh phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2022.
Đồng chí Dương Văn An cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sớm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022… Hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư và triển khai thi công dự án hồ KaPet, hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Phan Thiết - hạng mục hàng không dân dụng. Đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công các tuyến đường ven biển ĐT.719, ĐT. 719B, đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành, đường liên huyện dọc kênh chính qua các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong; dự án kè sông Cà Ty và cầu Văn Thánh…
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác để thúc đẩy phát triển kinh tế trong những tháng tới là triển khai tốt kế hoạch sản xuất vụ hè thu. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để chủ động có biện pháp phòng chống, bảo vệ sản xuất. Đồng thời, phải có giải pháp tăng cường kết nối, đa dạng hóa, mở rộng thị trường thanh long và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, tạo điều kiện thu hút các dự án bảo quản, chế biến các sản phẩm từ trái thanh long, nâng cao giá trị gia tăng. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị đẩy mạnh triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến, phục hồi, phát triển du lịch song song với việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Khẩn trương thực hiện trình tự, thủ tục để đưa các mỏ vật liệu xây dựng thông thường vào khai thác, giải quyết dứt điểm việc cung ứng vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía đông) đoạn qua địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đề xuất thu hồi các dự án không hoặc chậm triển khai, nhưng không có lý do chính đáng, nhất là các dự án du lịch, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Thực hiện cải cách hành chính thực chất hơn, quyết tâm cải thiện các chỉ số PCI, Par Index, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển… Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần đẩy nhanh phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới.
Theo Cục Thống kê tỉnh: Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý II so với quý I năm 2022: Có 77,78% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó có 47,62% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn; 30,16% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22,22% dự báo khó khăn hơn.