Theo dõi trên

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi

02/01/2024, 20:23

Chiều 2/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc (CTDT) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện CTDT, chương trình, chính sách dân tộc năm 2023, những bài học kinh nghiệm. Theo đó, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện; xã hội và đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) cả nước quan tâm, theo dõi là động lực quan trọng. Nhờ vậy, việc thực hiện CTDT năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng DTTS và miền núi nói riêng và cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ công tác có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường; hợp tác quốc tế về công tác dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh; năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từng bước được nâng lên.

z5032807915058_205844e7c3bcca370ba14ab1fd641884.jpg
Tại điểm cầu Bình Thuận.

Một nội dung được các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận là tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt Chương trình) năm 2023. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) được khoảng 13.567 tỷ đồng, đạt 81,5% kế hoạch. Trong đó, có 34 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2023, còn 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2023 (Đắk Lắk, An Giang và Bạc Liêu).

Tại Bình Thuận, chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 được xem là một quyết sách đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN. Thời điểm này, chương trình được triển khai thực hiện đã bước đầu phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS... Đến nay, tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS cơ bản ổn định với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS (17 xã thuần) là 21,07 triệu đồng/người/năm, bằng 52,41% thu nhập bình quân toàn tỉnh. Về kết quả công tác giảm nghèo, tính đến cuối năm 2022, hộ nghèo DTTS còn 2.801 hộ, chiếm 10,78% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 32,35% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh…

dan-toc-1.jpg.jpg
Một trong những lễ hội đặc sắc của dân tộc Chăm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như kinh tế vùng DTTS&MN chậm phát triển so với tiềm năng của vùng. Công tác xóa đói giảm nghèo có tiến bộ, song chưa bền vững; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng DTTS&MN còn thấp. Một số nơi hệ thống chính trị cơ sở còn yếu, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa ngang tầm... Ngoài ra, Ủy ban Dân tộc đánh giá việc thực hiện Chương trình còn lúng túng về cơ chế, triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân còn thấp. Các dự án, tiểu dự án Chương trình chưa thực hiện đồng bộ, còn một vài tiểu dự án chưa triển khai, có địa phương trả lại vốn do không có đối tượng thụ hưởng.

z4877442830821_93ce611c70c8a0483b08fc10c86ac5ba.jpg
Thu hoạch bắp lai vùng đồng bào DTTS.

Sang năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang yêu cầu đẩy mạnh thực hiện tốt, chuyển biến cơ bản về tiến độ, chất lượng 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải hoàn thành Đề án điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Nghị quyết của Quốc hội, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình.

Để thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện thực tiễn, Chính phủ kiến nghị Quốc hội sớm cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình tại Nghị quyết 120, ngày 19/6/2020 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện rà soát, tổng hợp hồ sơ trình cấp có thẩm quyền về việc đề xuất điều chỉnh một số nội dung đầu tư tại Quyết định 1719, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

M. VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo  dân tộc thiểu số
Xã La Ngâu, huyện Tánh Linh vừa bàn giao căn nhà Đại đoàn kết cho hộ ông Nguyễn Văn Đường, người Chăm, thường trú tại Bản 2.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi