Trong bối cảnh trong nước và thế giới hết sức khó khăn, nhưng dưới sự điều hành linh hoạt, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước về tất cả các mặt và được cử tri và nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy hiện nay có nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh, tác động đến tâm trạng chung của toàn xã hội khiến cử tri và nhân dân cả nước băn khoăn, quan tâm, lo lắng, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, năm 2023 có 172,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024 có hơn 86,3 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2023. Một đất nước có cường thịnh hay không thì nhìn vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nước đó, với thực trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn đáng để suy ngẫm, vì sao?
Đại biểu Thông phân tích nguyên nhân, do tình hình thế giới có những vấn đề bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp. Khả năng hấp thụ vốn thấp, sức chống chịu bị bào mòn, đến mức cực hạn sau đại dịch Covid-19. Chính sách pháp luật còn thiếu đồng bộ và nhất là thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều tầng nấc cũng là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp giải thể.
Do vậy kiến nghị Chính phủ có các giải pháp như: Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động; nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa; chủ động, kịp thời trong thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề đất đai, nhất là vấn đề xác định giá đất cụ thể.
Ngoài ra, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trên vẫn chưa được khắc phục triệt để. Việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế còn diễn ra cục bộ ở một số địa phương. Số lượng lao động chưa qua đào tạo còn cao, vấn đề lừa đảo bằng công nghệ cao còn nhiều là những vấn đề mà cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, lo lắng.
Ở một góc độ khác, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu vấn đề bức xúc rất thời sự về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng. “Các đại biểu ngồi ở đây có ít nhất một vài lần nhận các cuộc gọi từ số điện thoại lạ làm phiền từ các công ty quảng cáo hay các cuộc gọi lừa đảo giả danh là cán bộ cơ quan này, tổ chức kia yêu cầu thế này thế khác. Và trong thực tế, có nhiều người dân kể cả cán bộ công chức bị lừa với số tiền rất lớn. Trong thời gian qua các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông bằng những biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật đã quyết liệt xử lý đối với các đối tượng trên. Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để. Do vậy đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng có các giải pháp thật sự hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên”...