Theo dõi trên

Để Nghiệp đoàn Nghề cá là điểm tựa của ngư dân

25/03/2021, 10:26

BT- Từ năm 2011 đến 2014, lần lượt 5 Nghiệp đoàn Nghề cá (NĐNC) trong tỉnh được thành lập như tiếp thêm sức mạnh và là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân an tâm bám biển, vươn khơi. Tuy nhiên, sau 7 năm ra đời và hoạt động, các nghiệp đoàn nghề cá bây giờ ra sao?

                
   Cần gỡ khó để Nghiệp đoàn Nghề cá là điểm    tựa của ngư dân. Ảnh: N.L

Chủ tịch… không lương!

Trong 1 lần đi công tác Tuy Phong, tôi tìm gặp ông Võ Mao – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phan Rí Cửa, hỏi thăm 7 năm qua ông “vận hành” nghiệp đoàn thế nào. Không giấu giếm, ông chia sẻ: “Năm 2012, NĐNC Phan Rí Cửa được thành lập với 145 thành viên/10 tàu. Lúc ấy, ngư dân háo hức lắm, ai cũng muốn tham gia nghiệp đoàn vì hoạt động theo tổ, chia sẻ ngư trường đánh bắt rất hiệu quả. Khi thành lập, được Liên đoàn Lao động tỉnh vận động doanh nghiệp cấp kinh phí 10 triệu đồng/năm, do vậy, thời điểm đó công việc nghiệp đoàn nhiều, vừa tập hợp anh em tuyên truyền pháp luật, vừa thăm hỏi đau ốm, tặng quà cho thành viên có hoàn cảnh khó khăn, vừa triển khai nhiều hoạt động… Các cấp đều đánh giá cao vai trò của nghiệp đoàn nên cứ liên miên “ấn” việc. Đã nhận thì phải làm chu đáo. Thế nhưng làm cả 9 năm liền mà chẳng thấy đồng phụ cấp để… đổ xăng”. Đó cũng là tâm trạng chung của Chủ tịch NĐNC ở các địa phương khác như La Gi, Phú Quý, Phan Thiết.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 5 NĐNC/72 tàu/746 đoàn viên hoạt động xa khơi. Để tạo điều kiện cho NĐNC hoạt động, thời điểm đó, các ngành chức năng phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ trang bị máy bộ đàm tầm xa, định vị vệ tinh cho tàu cá, cấp phao cứu sinh, thuốc phòng chữa bệnh cho đoàn viên trên tàu, hỗ trợ phương tiện sinh hoạt, tặng sổ tiết kiệm, cấp học bổng cho con em đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng. Từ nguồn ủng hộ này, thành viên ở các nghiệp đoàn có điều kiện nắm bắt kịp thời thông tin thời tiết, ngư trường khai thác, được tuyên truyền về Luật Biển quốc tế, về vùng biển nước ngoài… Đồng thời, khi bị tai nạn trên biển, các thuyền viên được hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn kịp thời nhờ chia sẻ thông tin liên lạc giữa các thành viên trong nghiệp đoàn. Có thể nói, NĐNC ra đời là “điểm tựa” góp phần chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân, hỗ trợ nhau bám biển, khai thác hải sản xa bờ, dài ngày. Nghiệp đoàn cũng góp phần tích cực trong việc bảo vệ ngư trường, nguồn lợi thủy sản, bảo vệ an ninh, trật tự trên biển và đặc biệt là khẳng định chủ quyền biên giới biển, đảo.

Cần gỡ khó cho nghiệp đoàn

Tuy nhiên, cũng theo ông Mao: “Hiện nay các nghiệp đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hầu hết đoàn viên tham gia bám biển dài ngày, ngành nghề đánh bắt khác nhau không thể tập trung đầy đủ để họp theo thường kỳ. Mới thành lập, mỗi đoàn viên đóng góp 20.000 đồng/tháng để tạo quỹ hoạt động nhưng chỉ thu được thời gian đầu, nay thì không ai chịu đóng nữa. Hiện nay, Ban chấp hành nghiệp đoàn chưa tìm được nguồn kinh phí hoạt động, nên chưa được hưởng phụ cấp. Thời gian qua xem như nghiệp đoàn ở Phan Rí Cửa “đóng băng”, không sinh hoạt gì nữa”.

Trong các cuộc họp với Liên đoàn Lao động tỉnh cũng như ở các địa phương có sự hiện diện của NĐNC, hầu hết chủ tịch các nghiệp đoàn đều than phiền về kinh phí hoạt động. Họ kiến nghị các chủ tàu nên tham gia đóng góp kinh phí hàng tháng thay cho ngư dân để tổ chức thăm hỏi, kịp thời chia sẻ với ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là điều kiện để giúp ngư dân gắn bó lâu dài với chủ phương tiện, từng bước khắc phục tình trạng biến động lao động ở các tàu đánh bắt xa bờ.

Không chỉ vậy, do đặc thù lao động của ngư dân nên nội dung, phương thức hoạt động của NĐNC nói chung còn lúng túng, quy chế phối hợp hoạt động giữa các cấp công đoàn chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc tổ chức, điều hành hoạt động của NĐNC còn nhiều khó khăn. Các NĐNC ở tỉnh mong ngành chức năng sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân được vay vốn đầu tư, đóng mới tàu khai thác xa bờ, trang bị hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, giám sát, tìm kiếm cứu nạn, nhất là các tổ nghiệp đoàn khai thác.

Anh Trần Minh – đoàn viên NĐNC Phan Rí Cửa tâm tư: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của NĐNC, ngoài việc rà soát, điều chỉnh quy chế tổ chức, hoạt động phù hợp với từng địa phương, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng đánh bắt, tổ chức sản xuất và xử lý các tình huống tranh chấp trên biển cho ngư dân. Có như vậy, nghiệp đoàn mới thật sự là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi”.

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để Nghiệp đoàn Nghề cá là điểm tựa của ngư dân