Thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động đối với người lao động. Nổi bật các doanh nghiệp đều đã thực hiện niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, nội quy, kết quả sản xuất, kinh doanh, quy trình tuyển dụng, công tác thi đua khen thưởng, chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động để người lao động theo dõi, thực hiện. Thực hiện các chế độ, chính sách, việc trích lập và sử dụng quỹ trong doanh nghiệp, trích nộp kinh phí công đoàn, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... Một số doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc tổ chức hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại với người lao động tại nơi làm việc, người lao động đã nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp, được tham gia ý kiến vào nội quy lao động, hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, trả thưởng.
Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp đã chủ động tham gia, phối hợp, đề xuất giải quyết các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động, đảm bảo quyền lợi hài hòa của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần giữ vững mối quan hệ lao động ổn định. Việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc đã tạo sự đồng thuận, tin tưởng, gắn bó của người lao động với doanh nghiệp; quyền, lợi ích chính đáng của người lao động được đảm bảo, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, hầu hết các doanh nghiệp đều triển khai thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, cơ bản đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động. Nhờ vậy không phát sinh vụ việc về tranh chấp lao động, đình công tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong thực tế bên cạnh một số doanh nghiệp đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng QCDC phù hợp, sát thực với quy mô, đặc thù của doanh nghiệp và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp coi nhẹ hoạt động này. Tại một số doanh nghiệp, việc xây dựng, thực hiện QCDC còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự tôn trọng người lao động, vẫn còn tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, chậm trả lương cho người lao động…
Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trọng tâm là thực hiện các chủ trương, quy định về thực hiện QCDC, quy định của pháp luật về tiếp công dân, về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện các nội dung khiếu nại, tố cáo... Tăng cường công tác nắm tình hình, những khó khăn, bức xúc, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tham gia phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp trong tỉnh để tham mưu các cấp, các ngành chức năng giải quyết, góp phần ổn định tình hình, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, hội viên và người lao động...
6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 223 doanh nghiệp thực hiện đối thoại (gồm 187 doanh nghiệp đối thoại định kỳ, 36 doanh nghiệp đối thoại đột xuất), 209/260 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, đạt tỷ lệ 80,38%; có 225 doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể (có 5 doanh nghiệp ký mới lần đầu) với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định hiện hành, như tăng chất lượng bữa ăn, thời gian nghỉ giữa ca, tiền lương, tiền thuởng, phụ cấp…