Tiềm năng từ năng lượng tái tạo
Với điều kiện tự nhiên và khí hậu, Bình Thuận có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện...), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và có khả năng khai thác để trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia.
Năng lượng tái tạo đang trở thành xu thế chính phát triển hiện nay của Bình Thuận
Trong giai đoạn từ tháng 2/2020 đến tháng 6/2023, Bình Thuận đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động phát điện thêm 11 nhà máy điện năng lượng tái tạo, tổng công suất 409,93 MW (gồm: 5 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 175,73 MW; 6 nhà máy điện gió, tổng công suất 234,2 MW). Đến nay, toàn tỉnh có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.523,21 MW (gồm: 4 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tổng công suất 4.284 MW; 7 nhà máy thủy điện, tổng công suất 819,5 MW; 9 nhà máy điện gió, tổng công suất 299,6 MW; 26 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 1.110,11 MW; 1 nhà máy điện diesel tại huyện đảo Phú Quý với công suất 10 MW); sản lượng điện thiết kế của 47 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh trên 31 tỷ kWh/năm.
Điện mặt trời phát triển mạnh tại Bình Thuận
Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối của tỉnh Bình Thuận (500 kV, 220kV, 110kV, trung thế và hạ thế) thời gian qua được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp. Đến nay, tỉnh đang vận hành 320,628 km đường dây 500 kV, 1 trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân dung lượng 1.800 MVA; 298,552 km đường dây 220 kV, 3 trạm biến áp 220 kV dung lượng 1.500 MVA; 677,71 km đường dây 110 kV, 12 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng là 1.179 MW; lưới điện trung thế 22 kv đã đầu tư 6.789,45 km; 3.344,03 km đường dây hạ thế và 27.971 trạm biến áp phân phối 22/0,4 kv với tổng dung lượng là 2.937,69 MVA.
Điện gió ở Phú Quý.
Các tiềm năng về năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo được phát huy tốt hơn, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời và thủy điện nhỏ. Riêng trong lĩnh vực đầu tư lưới điện phân phối và kinh doanh điện do Công ty Điện lực Bình Thuận đảm nhận. Việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình nguồn, lưới điện trong các năm qua đáp ứng đủ nhu cầu điện cho các thành phần phụ tải quan trọng, phụ tải sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện trong mùa khô; đảm bảo cung cấp điện an toàn cho các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của địa phương.
Thủy điện đóng góp một phần vào đảm bảo an ninh năng lượng.
Đáp ứng chiến lược phát triển
Như vậy, với 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.523,21 MW, sản lượng điện thiết kế của 47 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh trên 31 tỷ kWh/năm cùng với hệ thống lưới điện (500 kV, 220 kV, 110 kV, trung thế và hạ thế) thường xuyên được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của tỉnh, khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo (huyện đảo Phú Quý đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và duy trì ổn định cấp điện 24/24 giờ; trên đảo hiện có các nhà máy điện diesel 10 MW, điện gió 6 MW và điện mặt trời 0,8 MWp), góp phần cung cấp điện cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài ra, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân III (1.980 MW) thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, Trung tâm Điện lực (khí LNG) Sơn Mỹ, với tổng công suất 2 nhà máy là 4.500 MW đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; 1 nhà máy điện gió (29,7 MW) đã xây dựng hoàn thành nhưng chưa hòa lưới điện quốc gia và 2 nhà máy điện gió (119,8 MW) đang triển khai xây dựng. Hiện có 8 nhà đầu tư đăng ký, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 22.200 MW; trong đó, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho một nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát Dự án điện gió Thăng Long Wind ngoài khơi Kê Gà thuộc huyện Hàm Thuận Nam, với công suất đề xuất 3.400 MW.
Năng lượng tái tạo đang trở thành xu thế chính phát triển hiện nay của Bình Thuận. Với tổng công suất các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh hiện hữu và dự kiến nêu trên, nếu triển khai đầu tư hoàn thành sẽ đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận đã được Bộ Công Thương phê duyệt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.