Bậc tiểu học không có môn giáo dục địa phương, cũng không có tiết học dành cho nội dung này, thế nhưng giáo viên và học sinh vẫn có sách giáo khoa riêng. Ngay từ đầu năm học, sách giáo dục địa phương của mỗi khối lớp đã được bán luôn trong bộ sách giáo khoa của học sinh. Việc có đủ tài liệu giáo dục địa phương ngay từ đầu, đã góp phần cho việc giảng dạy nội dung này hiệu quả hơn.
Để giảng dạy lồng ghép thật hiệu quả, giáo viên phải nghiên cứu trước tài liệu để biết được những nội dung ấy sẽ lồng ghép vào những bài học, những môn học nào cho thật sự phù hợp. Việc lồng ghép các nội dung về giáo dục địa phương được thực hiện xuyên suốt trong năm học và được lặp đi lặp lại nhiều lần. Ngoài việc lồng ghép vào một số bài dạy, trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, trong các buổi ngoại khóa theo chủ điểm của nhà trường, nội dung giáo dục địa phương có liên quan cũng được chú trọng.
Khác với bậc tiểu học, giáo dục địa phương của bậc THCS và THPT là một môn học độc lập có thời lượng 35 tiết/năm học. Vì thế, có hướng dẫn kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Là môn học độc lập với thời lượng mỗi tuần 1 tiết học. Vì thế, theo lẽ thông thường, ngay từ đầu năm học, môn học này phải được bố trí trong thời khóa biểu giảng dạy cho giáo viên. Tuy thế, ở bậc THCS chỉ học sinh lớp 6 và lớp 7 mới được học môn giáo dục địa phương từ đầu năm. Riêng học sinh lớp 8, đến thời điểm này, khi năm học mới đã được 1 tháng nhưng ở một số địa phương vẫn chưa có sách giáo khoa. Giáo viên cũng chưa có tài liệu để giảng dạy.
Cô giáo Thùy Vi, giáo viên một trường trung học cơ sở chia sẻ: “Giáo dục địa phương là một môn học mới. Để dạy tốt, giáo viên phải có thời gian nghiên cứu bài. Thế nhưng, tài liệu chưa có sẽ rất khó khăn cho việc giảng dạy. Nhà trường mới thông báo, chỉ triển khai giảng dạy khi có đủ tài liệu cho giáo viên và học sinh”.
Vì thế, môn học giáo dục địa phương của lớp 8 năm học này, buộc phải chờ cho đến khi có đầy đủ sách giáo khoa. Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 7 cũng rơi vào tình trạng, vào năm học mới nhưng không có sách giáo khoa môn giáo dục địa phương. Các trường học khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu cho học sinh học ngay từ đầu năm học. Thế là, có trường tổ chức dạy chay, có trường lại chờ đợi. Vào học kỳ 2 của năm học 2022 - 2023, sách giáo khoa giáo dục địa phương lớp 7 mới được phát hành. Thay vì 1 tuần học 1 tiết (35 tuần/35 tiết) thì nhà trường phải bố trí 1 tuần học 2 tiết.
Một tiết theo thời khóa biểu bình thường, một tiết chạy chương trình phải bố trí dạy sau những tiết học chính khóa theo quy định hoặc dạy vào những ngày nghỉ.
Giáo viên khó khăn cho việc soạn giảng vì phải soạn gấp đôi số tiết quy định mới kịp. Trong khi, học kỳ 2, số tuần thực học của học sinh ít hơn học kỳ 1 (học kỳ 1 là 18 tuần, học kỳ 2 là 17 tuần). Vì thế, để bố trí 31 tiết học và 4 tiết kiểm tra cho 17 tuần học cũng không hề dễ dàng gì. Bên cạnh đó, việc kiểm tra cũng bị dồn ép. Thay vì, các em sẽ có 4 bài kiểm tra chia đều cho giữa kỳ I, giữa kỳ II và cuối kỳ I, cuối kỳ II. Thế nhưng tổ chức học trễ nên 4 bài kiểm tra phải dồn vào một học kỳ.
Do học dồn, học ép và tổ chức kiểm tra gấp gáp, học sinh cũng khá mệt mỏi khi phải tăng thời lượng học tập trong học kỳ 2. Trong khi, việc ôn tập để kết thúc năm học đã chiếm khá nhiều thời gian của các em. Vì thế, môn học Giáo dục địa phương đã trở thành gánh nặng trong suy nghĩ của không ít học sinh.
Năm học 2023 - 2024, cũng giống như lớp 7, học sinh lớp 8 đến thời điểm này vẫn chưa có sách giáo khoa môn giáo dục địa phương. Thế là, học kỳ 1 thời khóa biểu của tiết học này bị trống, học kỳ 2 lại xảy ra tình trạng học dồn, học ép như năm học vừa qua.
Để việc học và việc dạy môn giáo dục địa phương đạt hiệu quả, giáo viên mong muốn sách giáo dục địa phương sẽ có trước học kỳ 1. Cùng với đó, tình trạng sách giáo khoa môn Giáo dục địa phương lớp 9 sẽ không bị chậm trễ như sách của khối lớp 7, khối 8 vừa qua.